Phát huy vai trò đối ngoại nhân dân nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam

Đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy cao độ vai trò, thế mạnh của đối ngoại nhân dân, nhằm hỗ trợ tích cực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ảnh: S.T

Ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ảnh: S.T

Thưa ông, nhìn lại năm 2024, xin ông chia sẻ những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam?

Năm 2024, công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) được triển khai rất toàn diện, hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng.

Liên hiệp đã tổ chức 43 đoàn ra, 28 đoàn vào và trên 1.000 hoạt động đối ngoại tại chỗ. Các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ đối ngoại cấp cao thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với tình cảm, tình đoàn kết và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân các nước dành cho Việt Nam, góp phần xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với nhân dân các nước.

Trong năm 2024, Liên hiệp cũng đã tập trung đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường giáo dục truyền thống về quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Theo đó, Liên hiệp đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam và các đối tác nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ thông tin về các nước, về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật…

Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng đã tranh thủ các hoạt động đối ngoại nhân dân để kết nối hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước, thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về chính sách của Việt Nam; ký kết 08 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác…

Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân đa phương cũng để lại dấu ấn nổi bật. Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn đa phương truyền thống như Liên hợp quốc, ASEAN, Hội đồng Hòa bình thế giới, Phong trào Quốc tế ngữ toàn cầu, Diễn đàn Xã hội thế giới... Qua đó không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ - nhân quyền, chủ quyền biển đảo, mà còn đóng góp chung cho phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình và phát triển bền vững.

Được biết, một nội dung trọng tâm trong năm 2024 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là mở rộng và xây dựng mạng lưới đối tác mạnh, có uy tín và rộng rãi ở các khu vực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Xin ông cho biết nội dung này đã được thực hiện cụ thể như thế nào và mang lại những kết quả gì trong công tác đối ngoại nhân dân?

Ngay từ đầu năm 2024, Liên hiệp đã triển khai rà soát, đánh giá, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới đối tác, từ đó xác định các kế hoạch hợp tác phù hợp với từng đối tác hiện có, đồng thời phát triển, mở rộng mạng lưới đối tác.

Với các đối tác truyền thống, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước khu vực ASEAN, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược toàn diện, ngoài việc duy trì quan hệ thường xuyên thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, thăm hỏi nhân các ngày lễ lớn của hai bên, chúng tôi tập trung đa dạng hóa các hình thức hoạt động như giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế…, nhằm tăng cường thông tin tuyên truyền về quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, nhất là tập trung vào thế hệ trẻ.

Cùng với đó, bên cạnh việc duy trì, củng cố quan hệ với các tổ chức hữu nghị, các tổ chức nhân dân và phi chính phủ, đơn vị đã chủ động mở rộng và thiết lập quan hệ, hợp tác với các đối tác là các cơ quan thuộc chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt là các tổ chức, mạng lưới tôn giáo, nhân quyền có tiếng nói tại các nước.

Với các cơ chế đa phương, Liên hiệp tiếp tục tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn đa phương. Đồng thời, đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai xây dựng định hướng và kế hoạch tham gia vào một số hội nghị đa phương quan trọng như các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich hay Đối thoại Shangri La.

Có thể nói, trong năm 2024, việc mở rộng mạng lưới đối tác của Liên hiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Với phương châm “chủ động, linh hoạt và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên”, Liên hiệp đã xây dựng được mạng lưới đối tác rộng rãi, uy tín và đa dạng ở các khu vực trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác bền vững và hiệu quả. Kết quả đó không chỉ hỗ trợ tích cực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển toàn cầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 8/2024. Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 8/2024. Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Thưa ông, một trong những nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân là vận động nguồn lực nước ngoài và triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ này của Liên hiệp trong năm qua?

Về vận động nguồn lực nước ngoài, đặc biệt là thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), ước tính năm 2024, tổng giá trị giải ngân viện trợ PCPNN đạt khoảng 230 triệu USD. Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp, các tổ chức PCPNN đã viện trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) bằng tiền mặt và hiện vật, giá trị quy đổi gần 220 tỷ đồng. Đây là kết quả hết sức có ý nghĩa, vì nguồn vốn này tập trung đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển năng lực, xóa đói giảm nghèo; đối tượng thụ hưởng là người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… ở vùng sâu vùng xa, biên giới, những khu vực đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, trong năm qua, các tổ chức PCPNN có yếu tố người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã viện trợ khoảng 10 triệu USD cho các chương trình, dự án tại Việt Nam. Trong số hơn 300 tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Việt Nam, có 44 tổ chức PCPNN có người sáng lập/chủ tịch/trưởng đại diện là Việt kiều và đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.

Ngoài ra, hưởng ứng Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các tổ chức PCPNN có yếu tố người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tham gia Phong trào. Trong đó, tổ chức VNAH (Hoa Kỳ) hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà với trị giá 70 triệu đồng/căn tại Quảng Ngãi; tổ chức East Meets West Foundation (EMWF - Hoa Kỳ) hỗ trợ xây mới 2 căn nhà tình thương, trị giá khoảng 5.000 USD… Nhiều tổ chức cũng bày tỏ sự quan tâm, bước đầu đã tiến hành khảo sát tại các địa phương, có các cam kết viện trợ trong năm 2025...

Trong bối cảnh mới và để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xin ông chia sẻ những mục tiêu, phương hướng tổng thể của công tác đối ngoại nhân dân trong năm 2025?

Sau những thành tựu to lớn của gần 40 năm tiến hành đổi mới, trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, để phát huy truyền thống, tận dụng tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế của đối ngoại nhân dân, từ đó hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, năm 2025, Liên hiệp sẽ tiếp tục thực hiện một số định hướng trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đúng đắn, có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, tiếp tục đưa các nghị quyết, chỉ thị đi vào thực tiễn hành động và triển khai các chính sách một cách hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của công tác đối ngoại nhân dân trong hệ thống chính trị Việt Nam, bảo đảm vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân xứng tầm với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Thứ hai, Liên hiệp sẽ tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại theo kế hoạch được giao, đặc biệt là sẽ chủ động tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia và tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ đối ngoại cấp cao, triển khai các hoạt động đối ngoại gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới; đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại nhân dân và tham gia tích cực, có trách nhiệm hơn nữa vào các điễn dàn đa phương.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tập trung tổ chức thật tốt các hoạt động quan trọng của Liên hiệp là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và Hội nghị quốc tế lần thứ V về tăng cường hợp tác với các tổ chức PCPNN và các đối tác quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

DIỆU THIỆN (ghi)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-vai-tro-doi-ngoai-nhan-dan-nang-cao-vi-the-quoc-te-cua-viet-nam-37940.html