Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương: Hạt nhân lãnh đạo ngành
Những thành tựu của ngành Công Thương thời gian qua, đặc biệt trong năm 2024 đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Bộ Công Thương là bộ kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, tác động trực tiếp không chỉ đến việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế cả nước mà còn cả hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh thế giới có những thay đổi sâu sắc, biến động khó lường, việc bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trên các mặt công tác chính trị và chuyên môn luôn là yêu cầu được đặt ra.
Xuất phát từ nhận thức đó, tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thời gian qua đã nỗ lực, chủ động trong lãnh đạo toàn ngành Công Thương thực hiện cao nhất các mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội, Chính phủ giao, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong toàn ngành.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi khối lượng công việc ngày càng nhiều về số lượng và phức tạp về nội dung, không chỉ đòi hỏi sự nghiêm túc mà cùng đó là sự sáng tạo, quyết liệt, nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành, quản lý.
Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong hoạt động với chất lượng các cuộc họp được nâng cao, nội dung bao quát nhiều lĩnh vực của ngành Công Thương. Đặc biệt Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã không ngừng phát huy vai trò là hạt nhân chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cán bộ, đảng viên phát huy vai trò nêu gương, tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị cũng như công tác chuyên môn.
Nét nổi bật là những nhiệm vụ chính trị được giao đã được Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương kịp thời cụ thể hóa bằng hàng loạt các nghị quyết chuyên đề, văn bản chỉ đạo để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa tăng cường công tác điều hành quản lý góp phần khơi thông các nguồn lực mới, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như chất lượng mới cho tăng trưởng và hội nhập.
Có thể kể đến các văn bản chỉ đạo như tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ngành Công Thương để từ đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, chống gian lận thương mại, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/1/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu tổng quát đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Cũng cần kể đến Kế hoạch số 09-KH/BCSĐ ngày 4/11/2022 lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-BCSĐ ngày 17/12/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới.
Đặc biệt, ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18/NQ-TW; Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã kịp thời khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết nghị quyết và xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ theo đúng yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ. Theo đó thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ và ban hành Kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về việc tự rà soát, đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW và tự đề xuất phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Ở đây cần nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu. Đảm nhận cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra cho toàn ngành từ Ban Cán sự Đảng đến các đảng viên lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt, đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành là cần quán triệt sâu sắc, tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, tuân thủ nghiêm túc pháp luật của Nhà nước để vận dụng trên cương vị công tác cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét, lan tỏa sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực hướng tới những mục tiêu chung. Đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên luôn nhấn mạnh tinh thần tự giác của từng cán bộ, đảng viên trong toàn ngành để đã thực hiện tốt nhiệm vụ cần thực hiện tốt hơn nữa cũng như không thỏa mãn với những thành tích đạt được.
Trực tiếp chủ trì các hội nghị đối thoại giữa Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên luôn nhấn mạnh phát huy tinh thần gương mẫu của từng đảng viên, tạo ra sức mạnh lãnh đạo đơn vị đoàn kết thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.
Điểm sáng 2024
Kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành, ngay từ đầu năm 2024, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, chủ động, quyết liệt, đặt quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2024 mặc dù trong bối cảnh đất nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn.
Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã nêu cao trách nhiệm, tinh thần chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, “về đích” với nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Năm 2024 đã đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong công tác chính trị và chuyên môn của toàn ngành Công Thương trong đó lần đầu tiên toàn bộ các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế liên quan đến ngành Công Thương đều đạt và vượt. Trong đó có những chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại, hội nhập đều vượt mức rất cao.
Công tác thể chế có bước đột phá không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài với nhiều văn bản chính sách đáp ứng kịp thời các đòi hỏi phát triển như Luật Điện lực, tái khởi động phát triển điện hạt nhân. Tiếp đà cải cách thể chế, cải cách hành chính của các năm trước, công tác thể chế năm 2024 đã góp phần mở ra các không gian phát triển mới cho đất nước, hình thành những đường ray, lộ trình hội nhập quan trọng trong thời gian đến.
Bài học quan trọng ở đây là Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng Đảng ủy Bộ Công Thương đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng, quyết tâm lãnh đạo các cấp ủy đảng và đảng viên tập trung thực hiện toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần liêm, chính, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng như các công tác chuyên môn.
Nhìn tới những đỉnh cao mới cho năm 2025
Nhìn lại thực tiễn có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và các cấp ủy, tổ chức đảng; tập trung làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường công tác tổ chức đảng và đảng viên, bồi dưỡng lý luận và bản lĩnh chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng, kiên định và nhạy cảm trước những biến động chính trị, xã hội; tích cực, tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của mình trước những bước ngoặt và tình huống phức tạp về chính trị, xã hội trên cương vị, chức trách được giao. Tập trung lãnh đạo, quản lý cán bộ, đảng viên phát huy vai trò nêu gương, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2025 của Bộ Công Thương.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tình hình quốc tế và trong nước dự báo có nhiều điều kiện thuận lợi, đan xen khó khăn, thách thức, tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác chuyên môn của toàn ngành Công Thương.
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang và đầy tự hào của Đảng trong 95 năm qua, chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo và đảng viên hôm nay trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
“Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo đảm mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Đó cũng chính là những định hướng hành động cho tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động toàn ngành Công Thương, phấn đấu cao nhất, hành động quyết liệt nhất cho những đỉnh cao mới của ngành, của đất nước, cùng cả nước tạo thế và lực bước vào kỷ nguyên mới.
Kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành, ngay từ đầu năm 2024, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, chủ động, quyết liệt, đặt quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2024 mặc dù trong bối cảnh đất nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn.