Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng thông qua hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên; coi đây là một trong những kênh thông tin quan trọng để quán triệt, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Kịp thời đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 7/2021 điểm cầu tỉnh ta.

Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 7/2021 điểm cầu tỉnh ta.

Toàn tỉnh hiện có trên 5.200 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đội ngũ báo cáo viên các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trình độ lý luận chính trị, cử nhân, cao cấp chiếm 37%, trung cấp 63%. Đội ngũ báo cáo viên xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị, cử nhân, cao cấp chiếm 4%; trung cấp 72%; sơ cấp 24%. Nhìn chung đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc; có mối quan hệ gần gũi, sâu sát, gắn bó với nhân dân, chuyển tải kịp thời, hiệu quả chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, năng lực, nghiệp vụ tuyên truyền của một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tuy đông nhưng chưa mạnh; ít báo cáo viên giỏi nghiệp vụ, có uy tín, tuyên truyền miệng với sức thuyết phục cao. Chất lượng một số chuyên đề tuyên truyền miệng còn hạn chế, chưa tạo được sự lôi cuốn và thuyết phục người nghe. Hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên chưa đồng đều, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trước yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 254-KL/TU phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, đề ra giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên: Thường xuyên quan tâm, củng cố kiện toàn và mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm hướng dẫn, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên. Đổi mới cơ chế cung cấp thông tin, cách thức tổ chức hội nghị báo cáo viên nhằm nâng cao chất lượng hội nghị, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đổi mới chất lượng biên tập nội dung và các tài liệu, phục vụ cho đội ngũ báo cáo viên và phục vụ sinh hoạt chi bộ.

Đồng chí Trần Thị Đóa, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Yên Châu cho biết: Toàn huyện có 20 báo cáo viên cấp huyện, 384 tuyên truyền viên luôn được củng cố, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng; ở cấp bản, tiểu khu còn có tuyên truyền viên là tổ trưởng các tổ tuyên truyền vận hoạt động nền nếp. Hiện nay, không gian mạng là môi trường, phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, kích động, hướng lái dư luận,... nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa bộ phận làm công tác tuyên truyền miệng và lực lượng đấu tranh trên không gian mạng; bố trí báo cáo viên, tuyên truyền viên đồng thời là thành viên của lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo đảm sự nhanh nhạy, kịp thời, thống nhất và hiệu quả trong tuyên truyền, định hướng nhận thức tư tưởng cũng như đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Còn đồng chí Lưu Thủy Ngư, Bí thư Đảng ủy xã Sặp Vạt, báo cáo viên cấp huyện, chia sẻ: Mỗi báo cáo viên cần được trang bị kiến thức rộng, có phẩm chất đạo đức trong sáng và các kỹ năng biên soạn, nghe, nói, quan sát, động viên, tuyên truyền... Muốn có một buổi truyền đạt tới cán bộ, đảng viên có chất lượng phải chuẩn bị thật kỹ, nghiên cứu nội dung. Nắm chắc đối tượng về đặc tính tâm lý và trình độ dân trí để chuyển tải nội dung, liên hệ các vấn đề linh hoạt và thời gian hợp lý. Kết hợp với tuyên truyền miệng với sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu hình ảnh minh họa để tăng hiệu quả.

Thực tiễn đã chứng minh vai trò, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Trước tình hình thế giới có rất nhiều biến động khó lường, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đất nước đang mở rộng hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Cán bộ, đảng viên và nhân dân chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố từ các nội dung thông tin trên nền tảng internet, mạng xã hội, trong đó có cả những yếu tố tiêu cực.

Do vậy, yêu cầu nhiệm vụ đối với mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên trong giai đoạn hiện nay càng cao hơn; cần tự bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-vai-tro-doi-ngu-bao-cao-vien-tuyen-truyen-vien-42138