Phát huy vai trò đột phá của khoa học công nghệ trong giai đoạn chuyển mình của Petrovietnam

Ngày 11/2, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Petrovietnam (KH&CN) nhiệm kỳ 2024-2026 tổ chức Kỳ họp lần thứ I.

Tham dự kỳ họp có TS Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam; Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn; cùng các lãnh đạo Tập đoàn, các thành viên Hội đồng KH&CN Petrovietnam.

TS. Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KH&CN Petrovietnam và các Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN Petrovietnam Dương Mạnh Sơn, Phan Tử Giang chủ trì kỳ họp.

TS Lê Mạnh Hùng: Gắn văn hóa Petrovietnam với nghiên cứu KH&CN của Tập đoàn, góp phần quyết định tạo bước đột phá có tính kỷ nguyên trong giai đoạn chuyển mình của Petrovietnam.

TS Lê Mạnh Hùng: Gắn văn hóa Petrovietnam với nghiên cứu KH&CN của Tập đoàn, góp phần quyết định tạo bước đột phá có tính kỷ nguyên trong giai đoạn chuyển mình của Petrovietnam.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, TS Lê Xuân Huyên cho biết, bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới trong thời gian qua biến động rất nhanh, trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn tới xu thế phát triển KH&CN. Trong nước, với xu thế chuyển dịch năng lượng, các cam kết về net zero, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng mới có thể phát triển bền vững. Kỳ họp lần thứ I của hội đồng với yêu cầu phải tìm ra những hướng đi chính xác, theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, Nghị quyết 03 của Chính phủ, kiện toàn Chiến lược phát triển KH&CN Tập đoàn, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, hiệu quả sản xuất kinh doanh Tập đoàn.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số của đất nước với hàm lượng giá trị KH&CN chiếm 50-55% từ năm 2025 đến những năm tiếp theo, Tập đoàn cũng phải có tốc độ tăng trưởng từ 8-10% bởi Petrovietnam là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, Petrovietnam vừa được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới nên càng đòi hỏi công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phải đóng góp được nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Tập đoàn, cũng như phát huy nhiều hơn nữa vào giá trị sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trực thuộc.

TS Lê Xuân Huyên phát biểu khai mạc kỳ họp

TS Lê Xuân Huyên phát biểu khai mạc kỳ họp

TS Lê Xuân Huyên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác nghiên cứu khoa học tại Petrovietnam và kêu gọi các nhà khoa học, nhà quản lý trong Tập đoàn cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống các công trình nghiên cứu khoa học dài hạn cũng như ngắn hạn, tập trung vào các giải pháp khơi thông các tiềm năng tại đơn vị.

Các đại biểu tham dự kỳ họp đã được nghe 4 tham luận được các ban chuyên môn Tập đoàn chuẩn bị khá công phu. Trong đó, nội dung chính của các tham luận gồm: Định hướng KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Petrovietnam; Hiện trạng thăm dò khai thác dầu khí và định hướng đầu tư cơ bản, nghiên cứu khoa học; Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho công nghiệp điện Petrovietnam trong giai đoạn mới và Lộ trình áp dụng AI để nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất tại Petrovietnam, pin hạt nhân những gợi ý và khuyến nghị cho Petrovietnam.

Trong phần thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về khả năng nghiên cứu khoa học ứng dụng trong công nghiệp điện gió ngoài khơi như sản xuất cánh quạt, nâng cao hiệu suất turbine điện gió, giải pháp thi công lắp đặt trụ điện gió trong vùng nước sâu, xa bờ… Xây dựng kế hoạch và lộ trình để tăng trưởng giá trị nghiên cứu khoa học trong sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; ứng dụng AI vào sản xuất, quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện, nghiên cứu sản xuất pin lưu trữ điện mới…

Tổng Giám đốc Petrovietam Lê Ngọc Sơn yêu cầu khai thông các điểm nghẽn trong nghiên cứu KH&CN tại Tập đoàn.

Tổng Giám đốc Petrovietam Lê Ngọc Sơn yêu cầu khai thông các điểm nghẽn trong nghiên cứu KH&CN tại Tập đoàn.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác nghiên cứu KH&CN tại Tập đoàn. Trong đó, đặc biệt phải tìm ra những điểm nghẽn để khai thông, xử lý bằng được những tồn tại về cơ chế, chính sách… Chỉ có như vậy mới kết nối, xây dựng được một hệ sinh thái KH&CN Petrovietnam.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, TS Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đã khái quát lại các trọng điểm về bối cảnh thế giới, đặc điểm nổi bật về phát triển của Việt Nam và giao những nhóm nhiệm vụ lớn cho Hội đồng KH&CN Tập đoàn.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ I Hội đồng KH&CN Petrovietnam nhiệm kỳ 2024-2026.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ I Hội đồng KH&CN Petrovietnam nhiệm kỳ 2024-2026.

Theo đó, TS Lê Mạnh Hùng đề nghị Hội đồng KH&CN nghiêm túc quán triệt, thực hiện đúng cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác nghiên cứu khoa học; nhận thức rõ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tập trung cập nhật lại chiến lược KH&CN Tập đoàn trong giai đoạn mới, đồng bộ triển khai mô hình đổi mới sáng tạo, tìm kiếm nhân tài…

TS Lê Mạnh Hùng chỉ rõ 3 cơ chế đột phá về KH&CN Petrovietnam gồm: Thu nhập xứng đáng; Xử lý rủi ro khi công trình nghiên cứu khoa học không đạt kết quả như mong đợi và phân phối lợi ích từ công trình nghiên cứu khoa học.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh cần phát huy văn hóa của những nhà khoa học Petrovietnam - những người Việt Nam đầy tự trọng, trung thực và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo đúng chiến lược về KH&CN của Tập đoàn đề ra; Phải gắn văn hóa Petrovietnam với nghiên cứu KH&CN của Tập đoàn, góp phần quyết định tạo bước đột phá có tính kỷ nguyên trong giai đoạn chuyển mình của Petrovietnam.

TS Lê Mạnh Hùng yêu cầu Hội đồng KH&CN Tập đoàn tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể: Công nghệ năng lượng mới (lượng tử, pin hạt nhân, động cơ vĩnh cửu); Công nghệ vật liệu siêu carbon (tổng hợp nhiên liệu hydrocarbon); Công nghệ khai thác khoáng sản đáy biển (đất hiếm) và công nghệ chuyển đổi số (big data, AI, IOT).

Tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo tại kỳ họp, TS Lê Xuân Huyên – Chủ tịch Hội đồng KH&CN Tập đoàn bày tỏ sự trân trọng trước sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn với công tác KH&CN; cam kết sẽ rà soát, cập nhật chiến lược phát triển KH&CN Tập đoàn, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại các kỳ họp tiểu ban trong hội đồng trong năm 2025.

Tính đến nay, Petrovietnam có 6 công trình nghiên cứu khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 4 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ; 34 công trình đạt giải VIFOTECH Việt Nam và 3 công trình được cấp bằng sáng chế quốc tế.

Thành Công - Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phat-huy-vai-tro-dot-pha-cua-khoa-hoc-cong-nghe-trong-giai-doan-chuyen-minh-cua-petrovietnam-724048.html