Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội
Những năm qua, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội, phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng tốt yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đại biểu HĐND 3 cấp tiếp xúc cử tri
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Bùi Văn Tặng cho biết, UBMTTQVN các cấp quan tâm đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quy định của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, nhất là Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Hàng năm, UBMTTQVN các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội ký kết chương trình phối hợp giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh; thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Đồng thời, quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phản biện xã hội theo hướng chủ động, hướng về cơ sở, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Năm 2024, hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được triển khai theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, chất lượng, thông qua chủ trì giám sát 224 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh chủ trì giám sát 9 cuộc, cấp huyện, xã giám sát 215 cuộc; ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát 329 cuộc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 320 cuộc. Qua giám sát, các đơn vị đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, hoạt động phản biện xã hội ngày càng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp chủ trì tổ chức 4 đoàn giám sát, 2 hội nghị phản biện và 4 cuộc hội thảo đóng góp dự thảo chính sách, pháp luật, nghị quyết HĐND các cấp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội (cấp tỉnh 3 hội nghị; cấp huyện 2 hội nghị). Các ý kiến góp ý, phản biện xã hội được cơ quan, ban, ngành tiếp thu, chỉnh sửa, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, giúp đại biểu thực hiện nhiệm vụ theo luật định. Đồng thời, phối hợp cơ quan liên quan ký kết chương trình, quy chế phối hợp trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội. UBMTTQVN các cấp thực hiện tốt quy chế phối hợp với HĐND, UBND, ban, ngành liên quan và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong giám sát, phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp phối hợp ngành tư pháp hướng dẫn việc tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 879 tổ hòa giải, gần 5.300 thành viên (trên 300 hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, 525 hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật). Năm qua, tham gia hòa giải thành 1.104 vụ, việc (đạt tỷ lệ 93,3%). Qua đó, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết, tuyên truyền, vận động Nhân dân, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Công tác nắm bắt tình hình, tập hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân đến cấp ủy Đảng, chính quyền được hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng thực hiện, mang lại hiệu quả. Cụ thể, duy trì công tác tổng hợp ý kiến của các vị ủy viên UBMTTQVN cấp tỉnh, huyện; báo cáo tình hình các tầng lớp Nhân dân mỗi tháng; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thông báo tại kỳ họp HĐND, gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổng hợp báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội… Qua đó, tạo niềm tin, sự hài lòng của người dân liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân.
Thời gian tới, UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội. Tập trung vào chủ trương, chính sách lớn; vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là vấn đề Nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò của hội đồng tư vấn, ban tư vấn thuộc UBMTTQVN các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-vai-tro-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-a416052.html