Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng chuỗi nông sản
Với vai trò là đầu tàu trong nền kinh tế tập thể tại các địa phương, những năm qua, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội luôn đồng hành với các hợp tác xã trong hoạt động đổi mới sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết.
Hiệu quả cao
Nếu như trước kia, nông dân xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) chỉ gieo trồng cây lúa, cây rau... cho thu nhập thấp thì sau khi vùng trồng rau an toàn Đông Dư hình thành đã mang lại hiệu quả cao... "Từ khi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Dư xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, nông dân tham gia, chất lượng rau đã tăng và giá ổn định. Mỗi năm gia đình tôi thu gần 30 triệu đồng/sào rau gia vị, trừ chi phí, thu lãi hơn 10 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, trồng rau gia vị có thể cho thu nhập cao hơn gấp 20 lần cấy lúa", chị Nguyễn Thị Hiến ở xã Đông Dư hồ hởi, nói.
Như chị Hiến, nhiều thành viên trong hợp tác xã đang làm giàu nhờ mô hình trồng rau an toàn. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Dư Nguyễn Quang Huy cho biết: Hiện toàn xã có 40ha trồng rau với khoảng 500 hộ tham gia. Mô hình được sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín. Để bảo đảm điều kiện đạt tiêu chuẩn chất lượng vùng rau an toàn, trong vùng trồng rau, các yêu cầu về sản xuất rau an toàn được xây dựng và thực hiện chặt chẽ, hiệu quả kinh tế mô hình đạt hơn 300 triệu đồng/ha tùy từng loại rau.
Tương tự, Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cũng là một điển hình về mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì Tạ Viết Hùng cho biết, mô hình hoạt động của hợp tác xã gồm: Trang trại nông nghiệp hữu cơ mẫu; trang trại trải nghiệm; nhà máy chế biến sữa; nhà máy bao bì; nhà máy phân bón hữu cơ; hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm; hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của hợp tác xã. Với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín, hiệu quả kinh tế đạt cao (từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha tùy từng loại hình kinh doanh)...
Đánh giá về các hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết: Bên cạnh những hợp tác xã nêu trên, Hà Nội còn rất nhiều hợp tác xã đang phát triển hiệu quả nhờ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết, khép kín. Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 43 hợp tác xã, 24 công ty và hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Các hợp tác xã này đang phát huy hiệu quả hoạt động nền kinh tế tập thể, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho rất nhiều nông dân, thành viên trong hợp tác xã...
Tiếp tục nhân rộng
Thực tế, sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ giải quyết bài toán phát triển, nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã mà còn là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp trong xu thế hội nhập. Liên kết theo chuỗi giúp nâng cao lợi ích cho chủ thể tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa... Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hợp tác xã đóng vai trò rất quan trọng, hợp tác xã chính là cầu nối liên kết nông dân, tập hợp và định hướng sản xuất cho nông dân.
Với vai trò đó, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển, nhân rộng các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành, để nhân rộng các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đề xuất hỗ trợ đặc thù cho hoạt động xúc tiến thương mại...
Cùng với đó là huy động, ưu tiên nguồn lực cho hợp tác xã nông nghiệp từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (theo chính sách từ các chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 22-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ)...
Với những giải pháp đồng bộ, chắc chắn, các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị của Hà Nội ngày càng được nhân rộng và phát triển.