Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) từng bước phát triển, chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các HTX góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Kinh tế tập thể phát triển sẽ góp phần xây dựng NTM. Trong ảnh: Hợp tác xã Chăn nuôi dê xã An Linh (huyện Phú Giáo) được thành lập năm 2020 đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động
Tiêu chí quan trọng
KTTT có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng NTM. Một trong những tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM là phải có tổ hợp tác (THT) hoặc HTX hoạt động hiệu quả (tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất). Hoạt động có hiệu quả của mô hình KTTT sẽ là biện pháp giúp phát huy nguồn lao động dồi dào tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở các địa phương.
Điển hình như HTX Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình chăn nuôi và trồng cây có múi với 30 lao động với mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/ tháng. Cùng với việc tích cực tham gia vào quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch thủy lợi, HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã viên tham gia đóng góp ngày công, kinh phí làm đường giao thông nông thôn góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả tiêu chí về giao thông. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và lao động địa phương.
Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được chú trọng và xuyên suốt, nhân dân trong xã kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NTM, góp phần cùng với chính quyền địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí và đẩy nhanh tiến độ thực hiện”. Theo ông Quý, việc hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất đã góp phần đưa xã Hiếu Liêm đạt chuẩn NTM năm 2015 và đề nghị xét xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2020 đạt 65,7 triệu đồng/người, năm 2021 đạt 69 triệu đồng/người.
Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Linh (huyện Phú Giáo) năm 2021 đánh dấu sự kiện xã về đích NTM nâng cao. Để hoàn thành kế hoạch, bên cạnh nỗ lực thực hiện tiêu chí chưa đạt về hạ tầng giao thông, xã chú trọng phát triển mô hình KTTT nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn. Theo đó, năm 2020 HTX chăn nuôi dê với 12 thành viên được thành lập. Với tổng đàn dê hơn 500 con, trung bình hàng tháng HTX xuất khoảng 40 con dê thịt bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng/thành viên. Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc HTX cho biết: “Gia đình đã gắn bó với nghề chăn nuôi dê hơn 10 năm nay, kinh doanh hiệu quả. Năm 2020, để chung tay với địa phương xây dựng tiêu chí NTM nâng cao, các hộ chăn nuôi dê nhỏ lẻ đã đồng thuận tập hợp liên kết phát triển thành mô hình HTX. Bên cạnh đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, việc liên kết các thành viên còn có ý nghĩa tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau cùng phát triển kinh tế”.
Thúc đẩy phát triển
KTTT phát triển góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn. Để KTTT phát huy hết vai trò, các HTX đã tự thân nỗ lực, bên cạnh đó Nhà nước cũng có nhiều cơ chế, chính sách để HTX có điều kiện phát triển.
Tại các địa phương, trong quá trình xây dựng NTM đã nỗ lực các biện pháp nhằm thúc đẩy KTTT phát triển mạnh. Ông Lê Minh Chí, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Xã An Bình phấn đấu mục tiêu đạt xã NTM nâng cao năm 2020. Cùng với việc nâng cấp, giữ vững các tiêu chí NTM, năm 2022, xã định hướng nâng cấp trang trại gà giống Phú An Khương, ấp Tân Thịnh thành HTX chăn nuôi gà. Trang trại sản xuất theo công nghệ cao, doanh thu mỗi năm đạt 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Việc thành lập mới các HTX sẽ góp phần giúp xã đạt mục tiêu xây dựng NTM”.
Ông Trịnh Đình Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết: “Xã luôn coi phát triển KTTT là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tổliên kết, HTX, phấn đấu đưa KTTT là nền kinh tế chủ đạo, góp phần tăng trưởng nền kinh tế địa phương. Theo đó, chú trọng tuyên truyền, vận động sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tập trung thành lập mới các tổ liên kết, THT, HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012”.
Để KTTT phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Trong năm 2022, huyện tăng cường triển khai tuyên truyền các quy định, thủ tục vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT để tạo điều kiện cho các HTX, THT và thành viên có nhu cầu vay vốn tiếp cận nhanh. Hỗ trợ đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của HTX, THT”.
Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương: Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khu vực KTTT cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022: Duy trì và phát triển HTX tại các xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến cuối năm 2022, cơ bản các xã, phường, thị trấn đều có HTX hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012. Tiếp tục tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, liên doanh, liên kết, sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề. 100% số HTX thành lập mới được tư vấn và được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển…