Phát huy vai trò là cầu nối đưa pháp luật đến với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở khu vực biên giới

Thời gian qua, các đơn vị BĐBP trên cả nước đã chủ động, sáng tạo triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới. Thông qua những mô hình thiết thực, hình thức linh hoạt, nội dung sát thực tiễn, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP tỉnh Điện Biên tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Xuân Điềm

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP tỉnh Điện Biên tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Xuân Điềm

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư lệnh BĐBP, công tác PBGDPL được triển khai đồng bộ, nghiêm túc từ tuyến trên xuống cơ sở. Các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên được các đơn vị cụ thể hóa thành chương trình hành động sát thực tiễn, gắn với nhiệm vụ chính trị và đặc thù từng địa bàn biên giới. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được đưa vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, hằng quý của cấp ủy, chỉ huy đơn vị; trở thành nội dung trọng tâm trong xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Các đơn vị cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể... để đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với trình độ, đặc điểm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biên giới.

Đối với nội bộ đơn vị, “Ngày pháp luật” được xác định là điểm nhấn trong giáo dục pháp luật cho bộ đội. Các đơn vị đã duy trì nền nếp tổ chức hằng tháng, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, đổi mới cách thức truyền đạt sinh động, trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Qua đó, từng bước hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và kỷ luật. Cùng với đó, các đơn vị BĐBP thường xuyên kết hợp thông báo tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong toàn quân và tại đơn vị; biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân còn vi phạm quy định; tổ chức thảo luận dân chủ để tìm ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và tham gia giao thông.

Mặt khác, các đơn vị cũng chủ động bố trí, sắp xếp hợp lý thời gian công tác, giờ nghỉ, ngày nghỉ để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện học tập, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật. Hệ thống tủ sách pháp luật tại các đơn vị được duy trì nền nếp, thường xuyên bổ sung các đầu sách, tài liệu phong phú, phù hợp với trình độ, nhiệm vụ và đặc thù từng đối tượng. Nhờ đó, nguồn thông tin pháp luật đến với bộ đội ngày càng phong phú, góp phần quan trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và năng lực xử lý tình huống thực tiễn đúng quy định, đúng chức trách, thẩm quyền của BĐBP.

Các mô hình tuyên truyền pháp luật thiết thực, hiệu quả như: “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Mỗi tuần một kiến thức pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tổ tư vấn tâm lý”, “Tổ tư vấn pháp luật”... tiếp tục được các đơn vị duy trì và phát huy. Các hình thức tuyên truyền truyền thống như hệ thống bảng tin, pa nô, bảng ảnh, truyền thanh nội bộ... cũng được tận dụng linh hoạt, góp phần lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn pháp luật trong từng cơ quan, đơn vị và từng chiến sĩ nơi biên giới.

Đưa pháp luật đến với nhân dân

Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các đơn vị BĐBP đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân ở khu vực biên giới. Bằng sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng dân tộc, từng đối tượng, các đồn Biên phòng đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: “Tổ tuyên truyền pháp luật lưu động”, “Ngày pháp luật vùng cao”, “Phiên tòa giả định”, “Câu lạc bộ pháp luật thôn bản”... Qua đó, giúp người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ thực hiện các quy định của pháp luật.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Anh

Cán bộ Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Anh

Nội dung tuyên truyền tập trung vào những lĩnh vực thiết thực gắn với đời sống hằng ngày của nhân dân như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, gian lận thương mại... Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân.

Bên cạnh việc tuyên truyền tại cộng đồng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong các chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái... Qua đó, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới của BĐBP.

Xác định đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là “cầu nối” đưa pháp luật đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc, các đơn vị BĐBP đã chủ động củng cố, kiện toàn lực lượng này ở các cấp, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL; cơ quan chính trị các cấp làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL chủ động nghiên cứu, biên soạn giáo án, tài liệu, đề cương phù hợp với tình hình thực tế đơn vị và địa bàn, chú trọng các nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, các đơn vị quan tâm tuyển chọn, bồi dưỡng, phát huy hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số, sử dụng thành thạo tiếng bản địa; từ đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng sức thuyết phục và lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư vùng biên giới.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào có dấu chân của người lính Biên phòng, nơi đó ánh sáng của pháp luật được lan tỏa. Họ chính là lực lượng “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với dân), vừa bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, vừa củng cố thế trận lòng dân, vừa là cầu nối đưa pháp luật đến gần hơn với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở khu vực biên giới, góp phần đưa vùng biên ngày càng ổn định, giàu đẹp, văn minh.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-vai-tro-la-cau-noi-dua-phap-luat-den-voi-dong-bao-va-can-bo-chien-si-o-khu-vuc-bien-gioi-post492416.html