Phát huy vai trò người có uy tín

Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số là những tấm gương điển hình ở miền núi. Họ còn là tuyên truyền viên tích cực trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, phát huy vai trò của người có uy tín góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Phổi (48 tuổi), ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp (Minh Long), đúng vào lúc anh vừa trở về từ vườn chè rộng hơn 1ha trên núi. Anh Phổi dù trẻ tuổi so với nhiều người trong thôn nhưng được người dân tín nhiệm. Anh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi khi có nắm bắt chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, anh Phổi tích cực tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Đặc biệt, anh Phổi đã vận động người dân trong làng hiến hơn 300m2 đất để xây dựng hai tuyến đường vào khu sản xuất. Nhờ đó, việc đi lại, sản xuất của người dân thuận lợi hơn, giá bán cây chè, cây keo cũng cao hơn trước. "Tôi thường lên xã, lên huyện để nắm các thông tin về chủ trương, chính sách mới. Khi có chương trình hỗ trợ cây, con giống, tôi về nói lại cho người dân biết rồi cùng họp bàn xem nên chọn cây trồng, vật nuôi gì cho phù hợp. Tôi biết cái gì thì chỉ cho bà con cái đó. Mình làm ăn được thì phải giúp những người xung quanh cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo", anh Phổi chia sẻ.

Ông Đinh Văn Điều (bên phải), ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), hướng dẫn người dân trong làng cách trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Ông Đinh Văn Điều (bên phải), ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), hướng dẫn người dân trong làng cách trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Ông Đinh Văn Điều (70 tuổi) cũng là người có uy tín ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây). Bí thư Chi bộ thôn Ra Manh Đinh Quang Trú bảo, mặc dù ở tuổi 70 nhưng ông Điều vẫn hăng say lao động. Ông là tấm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn noi theo. Để phát triển kinh tế gia đình, ông Điều chuyển đổi diện tích đất trồng keo, mì sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, chuối mật giống bản địa.

Cùng với đó, ông đào nhiều ao trong vườn để nuôi cá. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Điều có 1ha cau, hơn 1.000 gốc cây ăn quả các loại và đàn bò 20 con. "Làm kinh tế bây giờ không giống trước kia, nên mình phải thay đổi để phù hợp. Có như vậy sản phẩm mình làm ra mới bán được giá cao, cuộc sống mới khá lên", ông Điều nói.

Đường về thôn Ra Manh hiện nay được bê tông sạch sẽ, người dân ở đây ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung và chú trọng làm kinh tế. Nhờ sự tuyên truyền, vận động, nêu gương của già Điều mà người dân trong thôn đã tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất trồng keo sang trồng cây ăn quả. Những vườn cây như bưởi, mít... được trồng trên vùng đất Ra Manh sum suê quả, những vườn cau xanh mướt trải dài... minh chứng cho sự cần cù, chăm chỉ của người dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, ông Điều là già làng, người có uy tín tiêu biểu ở địa phương. Ông là tuyên truyền viên tích cực trong công tác giảm nghèo. Những việc chung của làng, ông Điều đều hăng hái tham gia. Noi gương cha, con trai ông Điều là Đinh Văn Công mới đây đã tình nguyện hiến 400m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Ngoài ông Điều, anh Phổi, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có hàng trăm người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số đó có rất nhiều người trẻ tuổi. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã trở thành “hạt nhân” trong phát triển kinh tế ở địa phương; được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng. Họ đã tiên phong xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời định hướng, giúp đỡ người dân địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202406/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-d6b4e25/