Phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể
Những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển cả về số lượng, chất lượng, đã xuất hiện nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hỗ trợ quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ảnh: PV
Toàn tỉnh hiện có 714 HTX, 6 Liên hiệp HTX và 258 tổ hợp tác, với tổng số trên 32.500 thành viên và người lao động, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, dịch vụ và du lịch, quản lý chợ và vận tải.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chủ động, như tập trung tuyên truyền người dân nâng cao việc sản xuất nông sản số lượng lớn theo chuỗi giá trị, chất lượng cao; vận động, hướng dẫn các HTX áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cán bộ HTX theo đúng nhu cầu, phù hợp với thực tế địa phương.
Hiện nay, 77,5% số HTX nông nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn (xã vùng II, vùng III), doanh thu bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/HTX, thu nhập của thành viên đạt 4,5 triệu đồng/thành viên. Vai trò của Liên minh HTX tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tích cực phối hợp với các ngành trong tỉnh xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đưa công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi... Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn các HTX, liên hiệp HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng tem nhãn, bao bì có xuất xứ, nguồn gốc và logo, nhãn mác. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ các HTX có nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và có điều kiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, với các HTX khác trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, đã giải ngân 300 triệu đồng cho 1 HTX từ nguồn vốn ủy thác của Liên minh HTX Việt Nam; hết năm 2021, Liên minh HTX tỉnh sẽ hỗ trợ trên 370 triệu đồng cho các HTX tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại, các diễn đàn kinh tế hợp tác, do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức...
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương (Sông Mã) là một trong những HTX áp dụng quy trình VietGAP vào trồng nhãn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho thành viên. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 23 thành viên, sản xuất 54 ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ việc tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất đã giúp cho chất lượng quả ngày càng tăng lên. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại một số tỉnh và thành phố lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hiện đã có đối tác đặt hàng xuất khẩu sang Úc.
Còn HTX Quỳnh Nghĩa tiên phong trồng cây chanh leo ở xã Chiềng Sung (Mai Sơn). HTX được thành lập năm 2015 với 10 thành viên, tổng diện tích sản xuất 10 ha ngô và bí. Đến năm 2019, HTX chuyển sang trồng chanh leo. Anh Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc HTX, cho biết: Trong năm đầu tiên, năng suất đạt 40 tấn/ha, thu nhập 200 triệu đồng/ha, hiệu quả hơn các cây trồng khác. Đến nay, HTX phát triển lên 20 thành viên, quy mô sản xuất 20 ha chanh leo. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng với HTX để bao tiêu sản phẩm với giá cam kết thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, HTX Quỳnh Nghĩa đang là cầu nối trong chuỗi sản xuất kết nối người dân với doanh nghiệp, vận động người dân tham gia HTX để cùng sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành viên HTX trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho Công ty sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mọi người nên cây chanh leo phát triển rất tốt.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, như hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; tăng cường tuyên truyền phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho các HTX, gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, cũng như khẳng định vị thế kinh tế HTX.