Phát huy vai trò phụ nữ Khmer trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phú Cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu bằng nhiều việc làm phù hợp với năng lực, sở trường mang 'dấu ấn' phụ nữ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các chị dân tộc Khmer.

Hội ra mắt CLB “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường” tại ấp Đại Mong.

Hội ra mắt CLB “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường” tại ấp Đại Mong.

Bà Thạch Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Cần cho biết: xã Phú Cần có 3.120 hộ, với 11.560 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 62% so với tổng số hộ chung. Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Phú Cần là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ; qua quá trình phấn đấu xây dựng, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2013 và công nhận xã NTM nâng cao vào cuối năm 2020; đến cuối năm 2023 xã Phú Cần tiếp tục được UBND tỉnh công nhận xã NTM kiểu mẫu.

Phát huy thành tích đã đạt được, Hội Phụ nữ xã cũng như các chi hội đã và đang tiếp tục vận động chị em chung tay nâng chất các tiêu chí xã NTM kiễu mẫu. Trong chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và cụ thể hóa nội dung, tiêu chí thi đua dưới nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua công tác tuyên truyền, các chị đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc nâng chất xã NTM kiễu mẫu; từ đó, đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền, chủ động tham gia các hoạt động do địa phương phát động.

Dấu ấn đậm nét nhất trong các hoạt động của phụ nữ trong thời gian qua chính là thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng, nâng chất các tiêu chí NTM, NTM kiểu mẫu ở địa phương. Ngay từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Hội đã tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” gắn với thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thông qua các buổi sinh hoạt chi, hội, câu lạc bộ (CLB), tổ nhóm. Đặc biệt là thành lâp mô hình “5 có, 3 sạch” trong đồng bào Khmer. Đến nay toàn xã có 1.593/1.638 hộ hội viên đạt 8 nội dung “5 không, 3 sạch”, đạt 97,25% và 1.531/1.638 hộ hội viên đạt 8 nội dung “5 có, 3 sạch”, đạt 93,46 % so tổng số hộ hội viên được rà soát.

Bên cạnh đó, Hội thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, CLB có hiệu quả với sự tham gia của đông đảo phụ nữ dân tộc Khmer như: mô hình hạt gạo từ chai nhựa lon nhôm, CLB biến rác thải thành tiền”, CLB xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”, CLB 3 sạch trong phụ nữ Khmer, CLB phụ nữ Khmer bảo vệ môi trường, CLB khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý là mô hình “1+1” về vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và hộ dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; từ khi thành lập đến nay đã vận động 358 hội viên, phụ nữ tham gia BHYT và có 51 hội viên, phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện; thông qua mô hình này tinh thần tiết kiệm, tương thân, tương ái của các chị không ngừng nâng lên.

Ngoài ra, Hội phụ nữ xã còn vận động phụ nữ tham gia nhiều “Tổ hùn vốn mua BHYT” nhằm giúp một phần kinh phí cho chị em có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT cho bản thân và thành viên trong gia đình, góp phần cùng xã đạt tiêu chí về BHYT.

Một trong điểm nổi bật đó là Hội đã tuyên truyền, vận động nhiều cán bộ hội viên phụ nữ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế của địa phương; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ…, việc thành lập các mô hình tiết kiệm, giúp đỡ, đỡ đầu hộ nghèo, cho vay vốn ưu đãi cũng được Hội thường xuyên quan tâm, giúp đỡ để chị em phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Qua đó, Hội đã thành lập nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế như: hùn vốn giúp nhau, vốn tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm làng xã; “tổ Phụ nữ Khmer góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”… với tổng dư nợ gần 35 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này đã giúp cho nhiều chị vay giải quyết việc làm, sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình và góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người ở địa phương.

Bên cạnh đó, các chị còn tích cực tham gia với cấp ủy, chính quyền đoàn thể xây dựng nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; tham gia thu gom rác thải, quét dọn vệ sinh trên các tuyến đường làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng sạch đẹp, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong XDNTM kiểu mẫu. Ngoài ra, các gia đình hội viên phụ nữ còn chủ động, tích cực tham gia hiến đất, cây trái, hoa màu, đóng góp ngày công lao động và kinh phí để xây dựng hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao NTM kiểu mẫu trên địa bàn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia XDNTM, đến nay Phú Cần đã được cộng nhận xã NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của phụ nữ ở địa phương; Hội LHPN xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch và 5 có, 3 sạch”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào XDNTM, đô thị văn minh” góp phần thực hiện hóa mục tiêu xây dựng xã Phú Cần đạt chuẩn NTM thông minh theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Bài, ảnh: MINH TÂM

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/phat-huy-vai-tro-phu-nu-khmer-trong-xay-dung-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-40456.html