Phát huy vai trò phụ nữ trong phòng, chống thiên tai

Phụ nữ vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… Thời gian qua, các tổ chức hội, hội viên, phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nũ trong công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hội viên phụ nữ xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) chung tay bảo vệ môi trường.

Hội viên phụ nữ xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) chung tay bảo vệ môi trường.

Con đường dẫn vào thôn Tiên Phong, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) một thời từng nhếch nhác, rác thải vứt bừa bãi, cỏ mọc um tùm... giờ đây đã bị “xóa sổ” bởi bàn tay và sức sáng tạo, yêu thiên nhiên của hội viên phụ nữ. Trên con đường bê tông sạch sẽ với các loại hoa rực rỡ khoe sắc ven đường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa Vì Thị Hồng giới thiệu, những con đường sạch đẹp này hình thành từ sự chung tay của hội viên thực hiện mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Các mô hình góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai bắt đầu từ những việc cụ thể, thiết thực.

Trở lại xã Mường Báng vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ngỡ ngàng về những con đường hoa rực rỡ dưới nắng hè. Đường sá thoáng sạch, hai bên được tô điểm muôn sắc hoa rung rinh trong nắng. Thôn Tiên Phong là địa bàn có con đường hoa đẹp nhất xã Mường Báng với hơn 500m đường bê tông. Không chỉ trồng hoa bên đường, đường nội thôn cũng được các chị em phụ nữ quét dọn thường xuyên, nên lúc nào cũng sạch, đẹp.

Mô hình “Sọt rác gia đình” được Hội LHPN thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) ra mắt và duy trì hoạt động từ tháng 12/2022.

Mô hình “Sọt rác gia đình” được Hội LHPN thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) ra mắt và duy trì hoạt động từ tháng 12/2022.

Cùng với những tuyến đường hoa được hình thành, tại huyện vùng cao Tủa Chùa, Hội LHPN huyện còn triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực khác nhằm hưởng ứng “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Để phong trào lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của cán bộ, hội viên, Hội LHPN huyện gắn với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các chi hội thường xuyên tổ chức cho hội viên ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại rác thải nhựa, đào hố đốt rác.

Tại xã Mường Đun, trước tình hình biến đổi khí hậu, chi hội thôn Bản Kép đã thực hiện mô hình “Phụ nữ Bản Kép với công tác bảo vệ môi trường”. Hưởng ứng mô hình, chị em phụ nữ và nhân dân trong thôn thực hiện mỗi gia đình phải tự có thùng đựng rác, bố trí nơi đựng rác, phân loại rác thải, tổ chức hướng dẫn sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp khuôn viên trong gia đình, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, thực hiện “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Đối với khu công cộng mỗi tháng tập trung vệ sinh một lần. Đến nay, sau 9 tháng triển khai, 100% hội viên cam kết thực hiện hiệu quả mô hình, không xảy ra tình trạng vi phạm chặt phá rừng. Môi trường nông thôn đổi mới, toàn bản từ khu tập trung dân cư đến những ngõ ngách nhỏ bé cũng không có rác thải bừa bãi.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đóng góp phế liệu tham gia mô hình “biến rác thải thành tiền”.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đóng góp phế liệu tham gia mô hình “biến rác thải thành tiền”.

Tại huyện Mường Nhé, xuất phát từ thực trạng nhiều rác thải nhựa khó tiêu hủy bị xả thải trên đường bản, trong vườn nhà; Hội LHPN huyện Mường Nhé đã triển khai mô hình “biến rác thải thành tiền”. Hội kêu gọi hội viên tham gia dọn vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn để gây quỹ hội. Mô hình “biến rác thải thành tiền” được triển khai tại 22 chi hội, 9/11 xã trong toàn huyện Mường Nhé. Số tiền mỗi mô hình thu được hàng năm khoảng từ 50 đến gần 80 triệu đồng, được sử dụng để giúp các chi hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Từ nguồn kinh phí trên, các chi hội chủ động cho hội viên vay hoặc mua con giống, hỗ trợ chị em chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Khoàng Thị Chăng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường Nhé, xã Mường Nhé cho biết: Các hội viên trong chi hội tham gia mô hình rất tích cực. Bởi các chị em nhận thức rõ những lợi ích mà mô hình mang lại. Việc thu gom phế liệu bán không chỉ giúp môi trường giảm thiểu rác thải nhựa, mà nguồn kinh phí có được sẽ dùng để thăm hỏi các chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh nghèo vượt khó. Trong năm 2023, chi hội đã trao gần 10 suất quà cho học sinh vượt khó và chị em hội viên nghèo mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng từ tiền bán rác thải nhựa.

Thành viên câu lạc bộ thu gom phế liệu, Chi hội phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) thu gom rác thải tại đồng ruộng.

Thành viên câu lạc bộ thu gom phế liệu, Chi hội phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) thu gom rác thải tại đồng ruộng.

Với mục đích thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường, Chi hội Phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) đã thành lập câu lạc bộ thu gom phế liệu. Ban đầu chỉ có 10 - 15 hội viên, đến nay câu lạc bộ đã có đến 60 hội viên tham gia. Theo chị Vũ Thị Hà, thành viên câu lạc bộ, do người dân trên địa bàn chủ yếu làm ruộng nên vỏ chai nhựa thuốc trừ sâu bị vứt bỏ ngoài đồng rất nhiều. Vì vậy các thành viên câu lạc bộ cùng nhau thu gom vỏ các loại bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Sau đó tập kết tại bể chứa để xử lý tại chỗ. Nhờ đó, tình hình ô nhiễm trên cánh đồng ở địa bàn đã giảm hẳn.

Cùng với các mô hình cụ thể trên, Hội LHPN tỉnh còn triển khai và duy trì các công trình, mô hình góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai như: Tuyến đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp; con đường hoa; thắp sáng đường quê; chi hội phụ nữ nói không với rác thải nhựa; phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Các mô hình góp phần nâng cao nhận thức của chị em về bảo vệ môi trường, dần thay thế các sản phẩm thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, sản xuất bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ biến đổi khí hậu tại địa phương.

Các mô hình do Hội LHPN các cấp triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai.

Các mô hình do Hội LHPN các cấp triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ, vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là nhân tố quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: Xác định phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Những năm qua, trên cương vị là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN các cấp đã tổ chức, tham gia các chương trình tập huấn để ứng phó tốt hơn với các hậu quả của thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như vận động các cấp hội phụ nữ trực thuộc triển khai các mô hình, cách làm hay về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu tại từng cơ sở.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/phong-chong-thien-tai/216114/phat-huy-vai-tro-phu-nu-trong-phong-chong-thien-tai