Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao nghị viện

Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm vừa qua tiếp tục để lại những dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước, nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẳng định điều này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ HẢI HÀ cũng cho rằng, thời gian tới, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cần phát huy vai trò tiên phong, chủ động, linh hoạt, không ngừng đổi mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả cao nhất.

Khẳng định vị thếcủa Quốc hội Việt Nam trong nền ngoại giao nghị viện thế giới

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả nổi bật của ngoại giao nghị viện trong năm 2021?

- Cũng như các quốc gia trên thế giới, năm 2021, Việt Nam tiếp tục đối mặt với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn, thách thức đó, Quốc hội Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ ngoại giao nghị viện theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, để lại những dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh: Thanh Chi

Ảnh: Thanh Chi

Một dấu ấn đặc biệt trong năm 2021 là Quốc hội đã triển khai tích cực và hiệu quả các hoạt động ngoại giao phục vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, tăng cường vai trò của nghị viện và hợp tác nghị viện đa phương thúc đẩy các giải pháp toàn cầu nhằm chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, tăng cường khả năng tự chủ của mọi quốc gia trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Quốc hội đặc biệt chú trọng các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, thể hiện qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhân dịp các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội, tham dự các Diễn đàn đối thoại chính sách. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm thúc đẩy thông qua các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội, thực hiện theo tinh thần Kết luận 12 của Bộ Chính trị về “công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Những kết quả ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam trong năm 2021 đã khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong nền ngoại giao nghị viện thế giới, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước, giữa ngoại giao đa phương và song phương, triển khai tích cực, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Có thể thấy rằng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm qua đã có nhiều đổi mới, thích ứng linh hoạt và bảo đảm hiệu quả cao nhất trước những thách thức, khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thưa ông?

- Về phương thức hoạt động, công tác đối ngoại của Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới, mang lại tác dụng rất lớn. Đơn cử, trước những sự kiện đối ngoại quan trọng cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và/hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đều chủ trì họp, nghe Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan báo cáo các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, triển khai và trực tiếp chỉ đạo các vấn đề liên quan trên tinh thần: hoạt động đối ngoại của Quốc hội phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả về nội dung, gắn với các lợi ích chiến lược của quốc gia, chu đáo, trọng thị về lễ tân và lan tỏa rộng rãi về thông tin tuyên truyền đối ngoại. Thực tiễn cho thấy sự tham gia, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

- Thành tựu đối ngoại của Quốc hội có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Đối ngoại. Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động của Ủy ban trong năm qua?

- Ủy ban Đối ngoại trong nhiệm kỳ Khóa XV đã được quan tâm, củng cố và tăng cường đại biểu chuyên trách. Thường trực Ủy ban Đối ngoại được “trẻ hóa”, có chuyên môn sâu và đa dạng về quan hệ quốc tế, luật quốc tế, kinh tế quốc tế. Ủy ban Đối ngoại đã thành lập 6 Tiểu ban gồm: Chính trị Đối ngoại; Hội nhập kinh tế quốc tế; Văn hóa Xã hội trong lĩnh vực đối ngoại; Pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại; Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Thông tin đối ngoại.

Các Tiểu ban gồm các Ủy viên Ủy ban Đối ngoại và một số chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, có kinh nghiệm và góc nhìn đa chiều trong các lĩnh vực. Việc hình thành các Tiểu ban góp phần chuyên môn hóa hoạt động đối ngoại của Ủy ban Đối ngoại nói riêng và đối ngoại Quốc hội nói chung, tăng cường sự tham gia thực chất, chủ động của các Ủy viên Ủy ban Đối ngoại trong tham mưu các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Về đổi mới trong công tác phối hợp, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã thúc đẩy thêm một bước quan hệ phối hợp công tác với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ. Sự phối hợp nhịp nhàng, bài bản hơn, tạo ra mối liên kết chặt chẽ, nâng cao hiệu ứng, tác động và kết quả của các hoạt động đối ngoại, đặc biệt đạt hiệu quả rõ rệt khi chuẩn bị các nội dung có tính chuyên ngành sâu trong các hoạt động đối ngoại, ví dụ như các đề xuất về chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh…

Trước mỗi hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đều có sự phối hợp từ sớm với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan, trao đổi, thống nhất và xây dựng các đề án triển khai cụ thể. Chú trọng hơn nữa hiệu quả, hình thức thông tin, tuyên truyền và truyền thông đối ngoại nhằm nâng cao kết quả của các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động cấp cao, chuyển tải nội dung và thông điệp rõ nét tới mọi người dân trong và ngoài nước.

Đổi mới tư duy về ngoại giao nghị viện

-Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng và các mục tiêu phát triển đất nước trong 5, 10 năm tới và xa hơn. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nghị viện nói riêng trong thời gian tới. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ đáp ứng yêu cầu này như thế nào, thưa ông?

- Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đại hội mở đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tác động thường xuyên và trực tiếp tới nước ta. Bám sát định hướng đối ngoại của Đảng, nhất là những điểm mới được Đại hội nhấn mạnh là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”, hoạt động đối ngoại Quốc hội cần phát huy vai trò tiên phong với những nội hàm có thể được thấy rõ nhất trong thực hiện chức năng lập pháp, trong đó có xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, kinh tế và văn hóa; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện chủ động, linh hoạt và hiệu quả.

Với tinh thần đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội có những nội dung mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm:

Một là, đổi mới tư duy về ngoại giao nghị viện và vị trí, vai trò của đối ngoại Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển tổng thể nền ngoại giao toàn diện, hiện đại như Đại hội lần thứ XIII đã đề ra. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác nghị viện song phương và đa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi và phát huy mạnh mẽ, thực chất hơn nữa vai trò của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, các vấn đề quan trọng, phê chuẩn, quyết định gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng.

Hai là, đổi mới phương thức hoạt động, nội dung và phạm vi trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, không chỉ giới hạn với các cơ quan lập pháp mà còn mở rộng, kết nối với các cơ quan hành pháp và với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự tham gia giám sát của Quốc hội trên bình diện rộng lớn hơn. Chú trọng hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại, thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như EVFTA, CPTPP, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam và các cam kết quốc tế khác.

Ba là, đổi mớihoạt động sử dụng và phát triển nguồn lực con người, xây dựng lực lượng đại biểu và cán bộ đối ngoại Quốc hội chuyên nghiệp hơn, đúng theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ đối ngoại ở cấp tham mưu, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về quan hệ quốc tế và các lĩnh vực chuyên sâu khác.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-vai-tro-tien-phong-cua-ngoai-giao-nghi-vien-0xpfic29a2-79624