Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi số

Ngày 19/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về CĐS với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Để thúc đẩy, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động CĐS, thời gian qua, Bộ Thông tin-Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, tạo lập hành lang pháp lý nhằm kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số).

Từ năm 2020, cả nước bắt đầu thực hiện Chương trình CĐS quốc gia. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có bước tăng trưởng đột phá, mức tăng trưởng hàng năm bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó. Đến nay, tỷ lệ này của cả nước đạt trên 55%, (tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 10 năm trước) .

Hiện tại, 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia. Cả nước có 98% các cơ quan thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử và 80% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số chuyên dùng cá nhân.

Cơ sở pháp lý về cơ sở dữ liệu đã có bước tiến vượt bậc. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Sau hơn 4 năm phát động CĐS, tỷ lệ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp gửi, nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Lực lượng lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam khá đông đảo, với trên 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về CNTT, điện tử viễn thông. Ngành ICT được xem là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, thu hút được nhiều sinh viên theo học (năm 2023, có những trường tuyển sinh trên 10.000 sinh viên).

Đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Cả nước có 34 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID đã tích hợp thêm các tiện ích, như: Sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử, kê khai, đăng ký, nộp thuế, thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tập trung vào việc nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và một số nội dung liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS muốn mạnh, nhanh, hiệu quả đòi hỏi vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương. Vì vậy, người đứng đầu các các bộ, ngành, địa phương phải tiên phong, gương mẫu trong chỉ đạo và thực hiện CĐS.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh việc phát triển nhân lực số, công dân số, phải số hóa trong công tác quản lý, điều hành. Mặt khác, phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế, phát huy tính sáng tạo của các cấp, ngành, tăng cường phân bổ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ CĐS và triển khai đề án 06 đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, phải xóa bỏ cơ chế “xin, cho” và đẩy mạnh hơn nữa tiến trình CĐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… thúc đẩy việc phổ cập rộng rãi những thành quả của CĐS, đưa công cuộc CĐS của Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202407/phat-huy-vai-tro-tien-phong-guong-mau-trong-chi-dao-va-thuc-hien-chuyen-doi-so-2219664/