Phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế

Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Điện tử và các sản phẩm điện tử, thiết bị plasma, laser… trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế của tỉnh.

Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,26%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì mức tăng cao, đạt 11,25% so cùng kỳ, chiếm 93% tỉ trọng ngành công nghiệp.

Ông Oh Chul Kue - Giám đốc Công ty TNHH HwaSung Vina, Khu công nghiệp Cẩm Khê cho biết: Mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 vào những tháng đầu năm 2022, cùng với những biến động của tình hình thế giới nói chung nhưng hoạt động sản xuất của Công ty vẫn ổn định, doanh thu đạt 8,6 triệu USD; tạo việc làm ổn định cho trên 320 công nhân với mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền thưởng, phúc lợi xã hội đều được Công ty thực hiện đầy đủ cho người lao động.

Năm 2023, song song với sản xuất các sản phẩm truyền thống là linh kiện điện tử, công ty mở rộng sản xuất thêm linh kiện ô tô. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động; nỗ lực cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Phấn đấu năm 2023, doanh thu tăng trưởng thêm 5 - 10% so với năm 2022.

Năm 2022, Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ Phú Thọ đạt doanh thu 850 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như tại công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ Phú Thọ. Trong năm 2022, nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm cùng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, công ty vẫn duy trì sản xuất đảm bảo kế hoạch đề ra. Sản lượng năm 2022 đạt khoảng 4,8 triệu đôi giầy; doanh thu đạt 850 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 2.750 lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh Phú Thọ đã thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngành Công Thương cũng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động bám sát, nắm bắt, đôn đốc tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các dự án trọng điểm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp có thế mạnh.

Các chế độ cho người lao động đều được đảm bảo.

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách phát triển các KCN, CCN; công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin… Phú Thọ cũng xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; xác định các nhà đầu tư chiến lược, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh... Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Qua đó tạo động lực thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.

Box: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 KCN được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đi vào hoạt động. Đến nay, các KCN đã thu hút được 166 dự án vào đầu tư; trong đó, có 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.471 tỉ đồng, 77 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.638 triệu USD; 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với vốn đăng ký là 4.207 tỉ đồng. Tỉ lệ lấp đầy trên 58% diện tích đất công nghiệp; tạo việc làm cho trên 49.500 nghìn lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo, nắm bắt tình hình hoạt động, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, tín dụng; tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng, bàn giao mặt bằng, thủ tục hải quan, vận tải cho các ngành sản xuất chủ lực, truyền thống như dệt may, bia, dệt, phân bón, xi măng, sản phẩm từ plastic, vật liệu xây dựng... để tăng công suất, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án mới đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 10 - 15%, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bảo Khánh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phat-huy-vai-tro-tru-cot-cua-nen-kinh-te/190778.htm