Phát huy vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới

Góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bà Đào Thị Thu Hoài- Chủ tịch Công đoàn trường mầm non Quang Trung, huyện Gia Lâm cho rằng, Báo cáo Chính trị cần có nội dung đánh giá về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và định hướng phát triển trong giai đoạn mới, đồng thời Đảng cần có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể chính trị - xã hội đối với phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Theo bà Đào Thị Thu Hoài, tại Điều 10 – Hiến pháp 2013 đã quy đinh: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 có nêu: “Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn”. Điều này đã khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bà Đào Thị Thu Hoài đóng góp ý kiến cho các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội nghị do Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm tổ chức

Bà Đào Thị Thu Hoài đóng góp ý kiến cho các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội nghị do Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm tổ chức

Để tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của mình trong giai đoạn mới, bà Đào Thị Thu Hoài đề nghị trong Báo cáo Chính trị cần có nội dung đánh giá về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Cùng đó, trước thách thức hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; đồng thời để tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, phải thực hiện vai trò là thành viên trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được quy định trong điều 10 Hiến pháp năm 2013.

Đây cũng là 1 trong 3 chức năng chính của tổ chức Công đoàn. Bối cảnh này đòi hỏi thời gian tới, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thời cơ và thách thức đối với Công đoàn Việt Nam, đối với đoàn viên, người lao động. Trọng tâm là Công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp, để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức đại diện của người lao động, do người lao động, vì người lao động, lấy hiệu quả, chất lượng hoạt động, lợi ích đem lại cho đoàn viên làm điểm thu hút, tập hợp, gắn kết tổ chức Công đoàn với đoàn viên. Vì vai trò của Công đoàn chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi những quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động được bảo vệ, quan tâm hỗ trợ, được chăm lo khi khó khăn hoạn nạn, giúp người lao động được ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Công đoàn cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua; chủ động tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giáo dục bồi dưỡng giới thiệu các đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Công đoàn phải thực sự trở thành lực lượng nòng cốt đi đầu, đóng góp chủ yếu trong các cuộc, tổ chức các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện. Việc chăm lo của Công đoàn đến đời sống đoàn viên sẽ làm cho người lao động tin tưởng ở tổ chức Công đoàn. Việc đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động cũng luôn phải được thực hiện thường xuyên để góp phần xây dựng Công đoàn từng bước phát triển vững mạnh.

“Để tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi xứng đáng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta; đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động không ngừng lớn mạnh, là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới chúng tôi đề nghị Đảng tiếp tục có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể chính trị - xã hội đối với phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chăm lo xây dựng tổ chức Công đoàn, phối hợp lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động ở địa phương, đơn vị”- Bà Đào Thị Thu Hoài đề nghị.

Phạm Diệp (ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vi-tri-vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-trong-giai-doan-moi-115530.html