Phát khoa nhờ huyệt đất quý, đỗ đạt bởi dòng nước trong
Là ngôi làng có nghề rèn nổi tiếng, Đa Sỹ còn được biết đến là làng học, làng thuốc, làng của danh y - danh sĩ, làng của tiến sĩ - trạng nguyên.
Là một trong 20 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước, Đa Sỹ thuộc phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) được gắn với những giai thoại lạ lùng về huyệt đất và dòng nước giúp sĩ tử khoa danh hiển đạt.
Không chỉ là ngôi làng có nghề rèn nổi tiếng, Đa Sỹ còn được biết đến là làng học, làng thuốc, làng của danh y - danh sĩ, làng của tiến sĩ - trạng nguyên. Với hàng chục nhà đại khoa bảng, có cả lưỡng quốc trạng nguyên đã khiến cho vùng đất này trở thành “đệ nhất danh hương” ven kinh đô Thăng Long.
Giai thoại tầm long
Cho đến nay, các thống kê về khoa bảng của làng Đa Sỹ vẫn chưa thật thống nhất. Có tài liệu khẳng định, Đa Sỹ có 8 tiến sĩ và 1 trạng nguyên, tài liệu khác lại khẳng định có 11 tiến sĩ và 1 trạng nguyên. Tuy số liệu chênh lệch, nhưng dù số lượng thế nào thì Đa Sỹ cũng vẫn là một trong những ngôi làng mực thước, xứng đáng đất danh hương ven thành Thăng Long.
Và sự thật cũng chứng minh, từ mảnh đất này nhiều danh sĩ tài năng được lịch sử ghi nhận, góp sức rất lớn vào công cuộc xây dựng, chấn hưng đất nước cũng như gây dựng sức mạnh cho các triều đại đương thời. Cũng chính bởi hội tụ nhiều danh sĩ, nhân tài nên làng mới có tên là Đa Sỹ.
Theo địa chí Hà Đông, trước đây Đa Sỹ có tên là làng Sẽ thuộc tổng Thanh Oai Thượng, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Sau làng lại đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ và cuối cùng là Đa Sỹ (từ giữa thế kỷ 18), với hàm ý là vùng đất khoa bảng, có nhiều tiến sĩ. Sự thay đổi tên gọi của làng trùng khớp với sự thay đổi của thời đại, gắn với những nét son mà ngôi làng từng đạt được.
Bởi người Đa Sỹ học giỏi, nhiều người đỗ đạt làm quan nên người xưa thường sử dụng những huyền tích lạ lùng để lý giải cho sự thành công. Trong đó, có câu chuyện về “dòng nước trong huyền diệu” (Huyền Khê) và huyệt mạch trên thế đất mỏ phượng (phượng chủy).
Chuyện phong thủy của Đa Sỹ khá giống với hai làng khoa bảng nổi tiếng khác là Mộ Trạch (Hải Dương) và Kim Đôi (Bắc Ninh). Câu chuyện dưới đây là những điều liên quan đến thuật phong thủy và tâm linh nên cũng chỉ xem đây như một giai thoại, hoặc một câu chuyện tham khảo.
Theo ông Hoàng Thế Xương - hậu duệ của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, từ xa xưa, cụ tổ họ Hoàng, tự là Phúc Xuyên tiên sinh có gốc ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ đã chọn đất, tậu đất xây dương trạch, mở trường dạy học; đặt âm phần ở xứ Đống Dấm.
Câu chuyện xưa cũ ấy, đã cách ngày nay khoảng 600 năm có lẻ. Đống Dấm, nay là từ chỉ Đống Dấm ở làng Đa Sỹ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Ông Xương cho biết, qua các tư liệu cũ như: Đa Sỹ Hoàng tông gia phả, Truyện các quan Trạng… có nói việc cụ tổ Phúc Xuyên nhờ có “thần tâm thánh nhãn” mà tìm được huyệt đất đẹp.
Vốn là một nhà nho uyên thâm, nhưng thi đến mười mấy lần đều không đỗ đạt và chẳng có danh vọng gì, nên cụ nghĩ ngay đến tương lai con cháu sẽ phải có đổi thay. Sự đổi thay ấy, không gì khác là phải từ mảnh đất sinh sống tạo thế cân bằng giúp con người khỏe mạnh, sáng láng.
Huyệt đất phát khoa gần 300 năm
Phúc Xuyên tiên sinh đi tầm sư học đạo về thuật phong thủy. Khi đã khai mở được tri thức, cụ có thể xem mô đất mà đọc rành tương lai, xem mạch nước mà tường chuyện quá khứ. Ở ngay gần làng Lương Xá, có vùng đất tên là Duyên Ứng rất đẹp nhưng cụ không biết nên táng ai ở đó. Đương lúc băn khoăn, thì nghe tin có người con dâu họ Đặng chết rét ngoài đồng.
Cụ chạy ra thì mối đã xông kín thi thể. Huyệt đất đẹp không thể dùng được nữa, cụ phải khăn gói đi tầm long ở một nơi khác. Thấy đất Huyền Khê sáng láng khác thường, có thể là nơi dụng võ lâu dài nên cụ Phúc Xuyên bỏ tiền tậu đất ruộng của một người trong làng là Nguyễn Văn Phàn để mở trường dạy học.
Theo ông Hoàng Thế Xương, lúc ấy khu vực này vẫn chưa có tên là Đống Dấm. Vì dân làng thưa thớt, đồng không mông quạnh nên các học trò thường phải đốt lửa ở lớp học của cụ Phúc Xuyên cho ấm. Từ ấy, dân làng mới gọi là Đống Dấm. Khi đã có đất tốt thì phải táng tổ tiên tại đó. Cụ Phúc Xuyên mới huy động người dùng tre và rơm thiêu rụi một gốc cây cổ thụ ở Đống Dấm và đặt âm phần tại chính nơi được coi là huyệt đất.
Huyệt đất đẹp ấy vốn mang tên là Huyền Khê có thế “phượng chủy”, tức mỏ con chim phượng. Gia phả chi họ Hoàng Trung Phú có ghi: Đó là nhờ sự linh ứng của thế đất, với tột đỉnh của 3 nguồn sáng, dồi dào của 4 dòng nước “Tam quang cập đệ – Tứ trụ thủy lưu” ứng với 4 chi họ Hoàng, khởi đầu từ 4 con trai của Hoàng Trình Thanh, trong đó có 3 chi trụ lại và trường tồn ở Huyền Khê.
Mấy năm sau vợ chồng cụ Phúc Xuyên sinh hạ được Hoàng Trình Thanh và dòng họ Hoàng bắt đầu phát khoa danh sự nghiệp. Ông Xương nói về Đống Dấm - đất phát tích khoa bảng dòng họ Hoàng rằng: “Đống Dấm là nơi dấm ngọn lửa hồng, là nơi dấm những mầm non nhân tài của Huyền Khê”.
Nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá: “Chúng tôi vẫn kính nể cái thuật này, tuy nhiên, hằng tin theo lời Khổng Tử nói về quỷ thần, rằng: ‘Quỷ thần kính nhi viễn chi’ cho nên đối với việc coi chuyện đất cát, mồ mả... là sự đảm bảo cho truyền thống học hành giỏi - đỗ đạt cao do cụ Hoàng Trình Thanh để lại thì chúng tôi xin có thái độ với việc quỷ thần vậy thôi”.
Ở đền thờ họ Hoàng làng Đa Sỹ còn vẹn câu đối treo ở hậu cung: Chấn cố hữu quang trâm hốt truyền gia bằng tổ ấm (Một nhà vẻ vang, hào quang vang động các đời, là nhờ vào giá trị tổ tiên để lại). GS Lê Văn Lan cho rằng, ở đây đã có sự khẳng định về một niềm tôn kính mãnh liệt, rằng sự hiển đạt của một họ tộc sở dĩ có được, là do tổ tiên biết gây dựng và lưu truyền giá trị.
Có được huyệt đất tốt, dòng họ Hoàng ở Đa Sỹ bắt đầu phát phúc. Khởi đầu là Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, được sử gia Phan Huy Chú trong phần “Nhân vật chí” của bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” xếp chọn là một trong 10 nhà Nho có đức nghiệp đời Lê sơ.
Đủ cả trạng nguyên, tiến sĩ, danh y
Họ Hoàng cũng nổi danh như họ Nguyễn làng Kim Đôi ở Bắc Ninh, và họ Vũ ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Những dòng họ này đều được ví có “một bồ tiến sĩ”, minh chứng thông tỏ cho thế đất phát khoa danh và tinh thần hiếu học.
Từ đời Hoàng Trình Thanh trở đi suốt gần 300 năm, họ Hoàng phát phúc cả về khoa bảng cùng công danh sự nghiệp, với 1 vị lưỡng quốc trạng nguyên, 7 vị tiến sĩ; chức tước thì từ Thượng thư đến Chủ sự... Tổng cộng có đến 24 đời con cháu vinh hiển đỗ đạt.
Có thể kể ra đây một số danh sĩ tiêu biểu, như cháu của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh là Hoàng Khắc Minh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1484), làm quan đến chức Bồi tụng Tả thị lang, sau thăng đến Thượng thư Lễ bộ. Con trai Hoàng Khắc Minh là Hoàng Nghĩa Phú đỗ Trạng nguyên năm Hồng Thuận thứ 3 khoa Tân Mùi (1511).
Với tài học của Trạng nguyên cùng phẩm chất biết liêm biết xỉ của nhà Nho chính trực, ông không bao giờ một mình vào triều yết kiến, nhưng rất cung kính giữ nghiêm phép tắc triều đình. Vì vậy nhà vua rất trọng dụng và ông được thăng tiến vượt bậc không theo thứ tự.
Vua nhà Minh cũng từng khen ngợi Hoàng Nghĩa Phú là con người thông thái, có công tích xứng phong lưỡng quốc Trạng nguyên. Con trai ông, Tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1538), làm quan Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Trân Khê hầu.
Theo thống kê, dưới thời phong kiến từ đời nhà Lý đến hết nhà Nguyễn, nước ta có 1.906 người đỗ tiến sĩ và 56 người đỗ trạng nguyên, thì riêng Đa Sỹ đã có 11 tiến sĩ và 1 trạng nguyên. Con số này có thể chưa chính xác do còn nhiều thống kê khác chênh lệch, nhưng có thể khẳng định danh khoa mà Đa Sỹ đạt được thì không thể bàn cãi.
Ngoài các nhà khoa bảng nói trên, Đa Sỹ còn những nhà khoa bảng nổi tiếng, như Hoàng Du đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1532) niên hiệu Đại Chính 3, đời Mạc Đăng Doanh, làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang.
Lê Hoàng Vỹ thi đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến Đông các hiệu thư, Tham chính Kinh Bắc. Lê Trọng Dĩnh thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất đời vua Lê Mẫn Đế, làm quan đến chức Cấp sự trung Thừa chỉ học sĩ ở Viện hàn lâm, sau làm Đốc học Sơn Nam, Lại bộ Tả thị lang.
Ngoài ra, trước đó làng Đa Sỹ còn hai nhân vật nổi tiếng đương thời, được xưng tôn là thần y là Hoàng Đôn Hòa và Trịnh Đôn Phác. Hoàng Đôn Hòa (1498 - 1583) được coi là ông tổ thuốc nam cuối thế kỷ 16. Danh y Hoàng Đôn Hòa thi đậu Giám sinh trường Quốc Tử Giám nhưng không ra làm quan mà về ẩn cư dạy học, nghiên cứu các bài thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Hoàng Đôn Hòa được người dân xem như Hoa Đà, Biển Thước tái thế. Triều đình cũng biết tiếng tăm ông nên cho mời vào chữa bệnh cho một vị công nương. Sau khi chữa khỏi bệnh cho công nương, Hoàng Đôn Hòa được vua gả con gái là công chúa Phương Anh. Dù làm phò mã nhưng vị lương y vẫn rất đúng mực, chỉ xin vua được về quê chữa bệnh cho dân. Khi ông mất, người dân Đa Sỹ lập đền thờ và tôn là Thành hoàng làng.
Trịnh Đôn Phác (1692 - 1762) thi đậu y khoa dưới triều vua Lê Hiển Tông, giữ chức Thái y viện phủ thiên. Ông là người đã kế thừa các môn thuốc của Hoàng Đôn Hòa rất công dụng và biên soạn lại quyển “Hoạt nhân toát yếu” gồm 208 phương thuốc do Hoàng Đôn Hòa trước tác để lưu truyền tới ngày nay.
Trịnh Đôn Phác từng được triều đình nhà Thanh mời sang chữa bệnh cho vua Càn Long và một vị cách cách ốm yếu. Sau khi vua Càn Long khỏi bệnh và vị cách cách mạnh khỏe trở lại, ông được ban thưởng hậu hĩnh, mời ở lại làm quan nhưng ông từ chối và trở về nước.
Sau đó, vua Càn Long tặng Trịnh Đôn Phác một cái chóe, một áo cẩm bào tím, một cây đèn lễ, một đôi hài bằng đồng. Hiện, những hiện vật này vẫn được bảo lưu ở miếu thờ tại Đa Sỹ.
Trong số các tiến sĩ làng Đa Sỹ, có 4 người được dân tôn làm Thành hoàng làng và lập đền thờ tưởng nhớ công lao. Từ xưa đến nay, người dân làng Đa Sỹ vẫn luôn nuôi dưỡng và đề cao tinh thần hiếu học. Trong các văn bản của làng cũng nhắc nhở con cháu phải lập đền thờ, dựng bia theo thứ tự khoa danh; phải tôn kính các bậc tiên hiền và có trách nhiệm giáo dục hậu thế.