Thành phố âm nhạc
Từ thuở Kinh kỳ cho đến đô thị hiện đại hôm nay, âm nhạc luôn là một phần hồn của Hà Nội nghìn năm, là góc đằm thắm không thể chối từ trong lòng người Hà thành.
Dù âm nhạc có thể biến chuyển theo xu hướng và nhịp điệu của cuộc sống và thời đại, nhưng cảm nhận về một TP âm nhạc trên mảnh đất này cứ rành rõ theo thời gian.
Không gian nhỏ trong lòng phố
Người Hà thành chẳng ai là không nhớ những nơi được coi là “thánh đường” cho âm nhạc tỏa sáng như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Nhà hát Quân đội… gần đây có thêm Nhà hát Hồ Gươm. Đấy là những góc âm vang và rạng rỡ đời sống âm nhạc Hà thành suốt dọc tháng năm. Nhưng người Hà thành cũng yêu thương cả những không gian nhỏ trong lòng phố đắm trong nhạc điệu và thi ca. Những không gian nhỏ ấy làm Hà Nội càng thêm rõ nét một TP của âm nhạc.
Chẳng đâu xa, ngay trong khuôn viên Nhà hát Lớn, Vườn âm nhạc - Garden music dập dìu tiếng nhạc. Khách yêu nhạc cụ dân tộc thì ghé đến buổi sáng, người mê nhạc cổ điển thì chọn buổi chiều, còn người thích sự sôi động trẻ trung thì tìm đến vào mỗi tối. Nhưng ở đây, nhạc cụ dân tộc được ưu tiên trình diễn bằng tâm ý “rất Hà Nội”: phát huy và bảo tồn văn hóa, lan tỏa nhạc điệu Việt tới khách du lịch quốc tế.
Cạnh Vườn âm nhạc xôn xao từng ngày, các phòng trà Trịnh Ca, Mây lang thang, Xóm cà phê, Phố ca, Trixie caphe & lounge, Sweet home lounge, Acoustic café… nép trong lòng phố, cũng là những điểm hẹn thân quen để người Hà thành gạt sang một bên những náo nhiệt, vội vã đời thường. Âm nhạc lắng đọng mỗi không gian một phong thái, một cách bài trí, nhưng ấm cúng, ngọt ngào và thư thái.
Tựa như trái tim yêu nhạc của người Hà thành, người chọn những bài ca đi cùng năm tháng, người chọn nốt trầm buồn của bolero, người lại tìm mình trong âm điệu có chút hàn lâm của piano, guitar, saxophone…
Không gian nhỏ nép trong lòng phố nhỏ, không quá sang trọng nhưng đủ tạo cảm hứng để gọi mời người yêu nhạc; không hoành tráng với đủ bộ nhạc cụ nhưng đủ để nhạc điệu lên ngôi và lời ca vang tiếng. Đôi khi, sân khấu chỉ có cây dương cầm và cây guitar mộc, thế mà âm nhạc “ru lòng” đến lạ…
Đã bao năm, người Hà Nội hẹn hò, chung tình với những không gian âm nhạc nhỏ trong lòng phố này, để thả hồn vào thế giới của nhạc điệu và để biết rõ rằng: âm nhạc là điều không thể thiếu trong cuộc sống người Hà thành.
Lại có người thích cảm giác lang thang quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào mỗi dịp cuối tuần để hòa mình vào những ngẫu hứng phố phường. Không gian mà ngày thường nườm nượp người và xe ấy đã “biến hóa” dịu dàng thành sân khấu cho những điệu nhảy flashmob hiện đại, những tiếng vĩ cầm, tiếng kèn acmonica, tiếng sáo trúc dặt dìu, tiếng guitar bập bùng không cần tuân theo một lịch trình biểu diễn cố định…
Một Hà Nội xưa cũ, thầm trầm và lịch lãm cứ theo nhau hiện về trong những bản nhạc lãng mạn mang hồn Hà Nội phố.
Một Hà Nội rộn ràng, trẻ trung trong hành trình hội nhập và tiếp biến văn hóa cứ hiển hiện giữa những bản tình ca tiếng Anh và những vũ điệu phương Tây…
hông chỉ lắng lại, cảm nhận chính mình giữa đời sống hối hả, nhộn nhịp; không gian đường phố ấy còn như lời khẳng định: Hà Nội mang dáng hình của một TP âm nhạc; âm nhạc là điều không thể thiếu trong cuộc sống người Hà thành.
Đến gần hơn với nhạc hàn lâm
Còn một góc âm nhạc cất giữ tâm hồn người Hà Nội đương đại mà càng ngày càng hiện hình rõ nét, ấy là những concert đẫm trong hòa âm. Chốn hội tụ bốn phương Hà Nội và người Hà thành bao lâu nay vẫn vậy, hào hoa, thanh lịch nhưng lúc nào cũng thâm trầm, y như cách người ta tiếp nhận và nuôi dưỡng thứ âm nhạc hàn lâm trong lòng phố.
Gần 2 thập kỷ nay, dù TP có biến đổi không ngừng trong cuộc đô thị hóa hiện đại, người đô thị đã quen những cái tên “Hòa nhạc Toyota”, “Hòa nhạc Hennessy”, “Lễ hội âm nhạc Gió mùa”… Người đô thị không thôi ngóng đợi những đêm “Cha con và Jazz” gắn với tên Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc; những đêm bồng bềnh trong tiếng Saxophone Trần Mạnh Tuấn để chìm vào các bản tình ca Trịnh Công Sơn hay thanh âm Hà Nội…
Những không gian tưởng kén người nghe ấy, cứ mỗi năm lại đầy thêm người đến và dường như đã không còn là điểm hẹn của “giới nghe nhạc quý tộc”. Âm nhạc, như ai đó nói, đã đánh thức và khơi dậy chất hào hoa và tình yêu vốn dĩ dành cho âm nhạc của người Hà thành. Không thế thì sao những chương trình ấy lại có thể sống trong lòng phố ngần ấy năm.
Và rồi những mới mẻ, trẻ trung lại tiếp nối. “Hà Nội Concert: Hòa nhạc mùa Đông” đến hẹn “mùa Đông” lại hội ngộ người yêu nhạc. Những tác phẩm âm nhạc kinh điển “made in Vietnam” và quốc tế trên ngón tay các nhạc công trẻ tuổi mang một không khí trẻ trung, tươi mới, như ngọn lửa xua tan cái lạnh co ro của miền Bắc ngày đông giá.
Sân khấu ấy độc đáo và mới mẻ khi là sự kết hợp giữa những bản giao hưởng kinh điển giàu cảm xúc của thế giới với những làn điệu dân ca Việt Nam, những sáng tác của các tác giả Việt Nam trong các thời kỳ; là sự hòa quện của những tác phẩm mang thông điệp về tình yêu, gia đình, cuộc sống qua góc nhìn của những người trẻ. Ở đó có bản concerto “Mùa Đông”, bản dân vũ Hungary, có nhạc Mozart, có nhiều bản nhạc của mùa Giáng sinh ấm áp, yêu thương… Ở đó có cả những bản dân ca Việt Nam như “Hoa thơm bướm lượn”, “Xe chỉ luồn kim”, có bản nhạc “Người Hà Nội” âm vang tính cách người Hà thành…
“VYO Grand concert” cũng đã ghi dấu ấn của người chơi nhạc trẻ trên hành trình mang nhạc hàn lâm vào đời sống Hà thành. Như “Hà Nội Concert: Hòa nhạc mùa Đông”, concert này nằm trong tay Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) - dàn nhạc của những nghệ sĩ trẻ đa quốc tịch với ước vọng thật thà: tiếp nối hành trình gieo mầm và nuôi dưỡng những hạt giống yêu thích âm nhạc cổ điển trong công chúng, cổ vũ các dự án sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Hà Nội - TP sáng tạo.
Ước vọng ấy không hề xa vời bởi được kết nối bằng chính trái tim nhiệt huyết với âm nhạc của những người trẻ yêu Hà Nội. Ước vọng ấy không hề xa vời khi nhạc hàn lâm tìm thấy nhiều cơ hội hiện diện ở những không gian công cộng trong TP như Ngôi nhà 22 Hàng Buồm, Không gian xanh, Phố đi bộ Hồ Gươm…, làm thành chuỗi hòa nhạc cộng đồng trẻ trung và giàu hơi thở hiện đại.
Hà Nội có nhiều lắm những khán phòng lớn và những không gian nhỏ cho âm điệu và lời ca lên tiếng, cho thỏa nỗi lòng yêu dành cho âm nhạc, cho “mềm” lại nhịp điệu sống hối hả thời đô thị hóa. Cuộc sống không ngừng chảy trôi, song những biến chuyển trong đời sống âm nhạc ở mảnh đất này càng ngày càng hiển hiện rõ nét một điều: Hà Nội là TP của âm nhạc.
Những bảo tồn truyền thống, giao thoa hiện đại… ở chốn này đang từng ngày đưa Hà Nội trở thành TP âm nhạc xứng tầm; trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ sáng tạo nghệ thuật, góp phần xây dựng Hà Nội - TP sáng tạo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-pho-am-nhac.html