Phát mệt với quá nhiều phương thức xét tuyển đại học

Vấn đề xét tuyển đại học sớm được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.

Xét tuyển đại học sớm có không ít mặt trái, thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp (ảnh minh họa)

Xét tuyển đại học sớm có không ít mặt trái, thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp (ảnh minh họa)

Chưa đến thời gian các trường đại học công bố điểm chuẩn, anh trai tôi đã đi tìm nhà trọ cho con ở Hà Nội, bởi qua xét tuyển kết hợp IELTS và điểm học bạ, cháu đã biết mình đỗ đại học từ lâu. Nghe anh nói, lớp con của anh có đến gần nửa đã trúng tuyển sớm vào nhiều trường đại học. Con gái tôi bảo sau này nó và mấy bạn trong nhóm cũng sẽ chọn phương thức xét tuyển sớm để giảm tải áp lực thi cử thay vì hồi hộp chờ đợi điểm thi tốt nghiệp.

Thấy con gái nói vậy, chồng tôi không đồng tình, yêu cầu con vẫn phải chăm chỉ học hành, ôn thi tốt nghiệp cho tốt, nhất là những môn xét tuyển vào đại học.

Bạn bè tôi nhiều người cho rằng xét tuyển sớm có không ít mặt trái, thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp, gây tốn kém cho các bên, ảnh hưởng đến chất lượng thi tốt nghiệp… và mong ngành giáo dục bỏ đợt xét tuyển này.

Xét tuyển sớm là các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển trước khi thi. Trong 20 phương thức xét tuyển đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng, có đến 2/3 số phương thức là xét tuyển sớm như: xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); kết hợp giữa học bạ với điểm thi năng khiếu; giữa học bạ với phỏng vấn; giữa học bạ với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; thi đánh giá năng lực; thi đánh giá tư duy…

Để thu hút học sinh, khoảng từ tháng 1-2 hằng năm, nhiều trường đại học đã tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về những lợi ích của việc xét tuyển sớm như: giảm áp lực thi cử; có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường đại học, ngành học yêu thích; rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả trúng tuyển; cách thức đăng ký nhanh chóng…

Do đó, nhiều thí sinh ở Hải Dương đã chọn xét tuyển đại học sớm. Sau khi biết đã trúng tuyển sớm thì nhiều em có tư tưởng chủ quan, xao nhãng trong học tập, ôn thi tốt nghiệp hời hợt, với tâm lý đỗ tốt nghiệp là được mà không cố gắng hết mình. Các em chưa trúng tuyển thì hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý. Điều này tác động tiêu cực tới hoạt động dạy và học ở phổ thông, nhất là ảnh hưởng đến chất lượng thi tốt nghiệp THPT.

Khi Báo Hải Dương đăng thông tin nữ sinh Trường THPT Bình Giang đạt á khoa khối D toàn quốc thì không ít bạn đọc bình luận: “Sao không phải là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi mà lại ở Bình Giang?”. Lập tức, một số bạn đọc trả lời: Nhiều học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm nên không chú trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thi tốt nghiệp chỉ để bảo đảm đủ điều kiện…

Một số giáo viên cho biết trong các phương thức xét tuyển sớm, xét học bạ không ổn nhất, không phải học bạ nào cũng đúng năng lực của học sinh và không phải các trường đánh giá đã như nhau.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học được tổ chức ngày 9/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các thí sinh xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; số còn lại tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ rất ít, dẫn đến điểm chuẩn xét tuyển rất cao, tạo ra sự bất công bằng cho thí sinh trong cơ hội được vào các trường đại học tốp đầu…

Bộ trưởng nhắc nhở các trường không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận tiện cho học sinh, cho xã hội. Các trường đại học có quyền tự chủ trong vấn đề tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để gia tăng một số chế tài nhằm điều tiết tuyển sinh từ năm sau.

Sự nhắc nhở và định hướng này của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo được nhiều người đồng tình, nhất là đội ngũ giáo viên.

Việc xét tuyển đại học sớm đã được nhiều quốc gia phát triển thực hiện từ lâu như Pháp, Mỹ, Canada… nhưng cũng kèm tiêu chí điểm số, các môn học cần đủ tín chỉ…

Thiết nghĩ, các trường đại học không nên tổ chức quá nhiều phương thức tuyển sinh phức tạp, rối rắm, chỉ nên sử dụng một vài phương thức đơn giản, dễ hiểu để phụ huynh, học sinh không phải mất quá nhiều thời gian tìm hiểu và tính toán căng thẳng. Ưu tiên dùng điểm tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học bởi kỳ thi tốt nghiệp có độ tin cậy hơn. Một số phương thức như xét học bạ, sử dụng kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… cũng cần thêm điều kiện về điểm thi tốt nghiệp.

BẢO LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phat-met-voi-qua-nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-390302.html