Phạt Nga không dễ

Các biện pháp trừng phạt mới trong gói đầu tiên mà Mỹ áp dụng để chống lại Nga bắt đầu có hiệu lực và nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường tài chính toàn cầu, và cả các nhà đầu tư Mỹ, sẽ chịu những tác động khó lường của việc này.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không gây khủng hoảng tại Nga (EPA).

Bài học nhãn tiền

Khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska và các công ty của ông hồi tháng 4, hậu quả của nó đến tức thì.

Các khách hàng phương Tây ngừng mua vật liệu của công ty nhôm Rusal mà ông Deripaska kiểm soát. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nơi ông là cổ đông lớn lao dốc hàng loạt khiến tài sản của tỉ phú Deripaska giảm mạnh từ 6,7 tỉ xuống còn 3,4 tỉ đô la Mỹ, theo ước tính của Forbes.

Nhưng các biện pháp trừng phạt cũng gây ra sự tàn phá vượt xa lãnh thổ nước Nga. Giá nhôm toàn cầu tăng vọt, tác động tới các công ty Mỹ và châu Âu sử dụng kim loại này. Một số nhà sản xuất và chính phủ nước ngoài như Đức, Ý đã lên tiếng phản đối khiến Bộ Tài chính Mỹ phải dịu lập trường, nới lỏng các điều khoản đối với nhà sản xuất nhôm Rusal. Thậm chí Mỹ còn gợi ý dỡ lệnh trừng phạt nếu ông Deripaska từ bỏ quyền kiểm soát công ty Rusal.

Câu chuyện trên vẫn còn rất mới và như một lời cảnh báo khi Mỹ tiếp tục một loạt biện pháp mới trừng phạt chống lại Nga. Trong gói đầu tiên, Mỹ sẽ chấm dứt các hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga. Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh.

Các chuyên gia cho biết, những biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Một số biện pháp khác đang được trình Quốc hội xem xét có thể gây ảnh hưởng nặng cho các công ty dầu khí châu Âu.

Theo các chuyên gia, so với các nước khác bị Mỹ cấm vận như Iran, Cuba, Myanmar và CHDCND Triều Tiên…, Nga có một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu. Điều này khiến cho lệnh trừng phạt thể sẽ lan ra ngoài “mục tiêu dự định”.

Richard Sawaya, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Hội đồng Ngoại thương quốc gia, một tổ chức ủng hộ thương mại tự do, nói với Washington Post: “Nga là một phần của nền kinh tế thế giới. Các ngân hàng của họ kết nối khắp châu Âu và Mỹ”.

Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ tuần này là phản ứng của chính quyền Washington đối với cáo buộc về việc Nga sử dụng chất độc thần kinh để ám sát hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal. Phía Nga đã cực lực bác bỏ cáo buộc này.

Giai đoạn thứ hai của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ xảy ra vào cuối năm nay, bao gồm lệnh cấm các hãng hàng không Nga hạ cánh tại Mỹ.

Các nhà lập pháp Nga cảnh báo sẽ đáp trả bằng cách ngừng xuất khẩu động cơ tên lửa RD-180 của Nga mà Mỹ sử dụng để phóng các vệ tinh của chính phủ. Truyền hình nhà nước Nga cho hay, Moscow cũng sẽ trả đũa bằng cách thu phí các hãng hàng không Mỹ nhiều hơn để đi qua không phận Nga đến châu Á.

Khó phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô

Hồi đầu tháng này, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã trình Thượng viện dự luật về các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga trước cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Một trong số các giải pháp được đưa ra là cấm giao dịch đối với các trái phiếu nợ quốc gia mới của Nga, cấm các công ty đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu thô bên trong lãnh thổ Nga, hoặc trong các dự án năng lượng lớn bên ngoài nước Nga nếu liên quan đến một công ty do nhà nước Nga kiểm soát.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc trừng phạt nhằm vào nợ chính phủ của Nga sẽ gây ra những hậu quả khó lường không chỉ đối với Nga mà còn đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Đối với các dự án năng lượng, theo ông Jacob Kirkegaard, chuyên gia tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, các giải pháp của Mỹ sẽ làm phức tạp những khoản đầu tư của các công ty Đức và Royal Dutch Shell (Hà Lan) tại dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2), một dự án đường ống sẽ vận chuyển khí thiên nhiên từ Nga sang Đức.

Một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đưa dẫn chứng về sự hỗn loạn của thị trường thế giới sau lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Rusal và kết luận rằng, các quan chức của Mỹ thiếu hiểu biết đầy đủ.

“Một bài học mà chúng ta nên rút ra là, mặc dù những người ở Bộ Tài chính Mỹ hiểu rõ lệnh trừng phạt sẽ diễn ra thế nào khi áp dụng vào lĩnh vực tài chính, song họ không hề có kiến thức chuyên môn và kiến thức về lĩnh vực thương mại phi tài chính”, ông Liz Rosenberg, người xử lý chính sách trừng phạt trong chính quyền Obama nói với Washington Post.

Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Nga và tác động mạnh tới tầng lớp trung lưu. Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát trong tầm kiểm soát ở Nga, các biện pháp trừng phạt của Mỹ khó có thể gây suy yếu sự ổn định kinh tế.

Alexandre Abramov, chuyên gia tài chính Nga cho rằng, các biện pháp của Mỹ không thể phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô của Nga mà chỉ làm gián đoạn con đường phát triển, xét về tốc độ tăng trưởng, ban hành các cải cách cơ cấu hiệu quả.

Giờ đây, khi Mỹ tiếp tục gia tăng các gói trừng phạt, Chính phủ Nga đang tích trữ thặng dư ngân sách và thúc đẩy dự trữ để bảo vệ sự ổn định kinh tế.

Vladimir Milov, cố vấn kinh tế cho chính trị gia đối lập Alexei Navalny, nhận xét chính phủ đang không hướng tới mục tiêu tăng trưởng. “Họ hướng đến mục tiêu củng cố tài chính để nếu có khủng hoảng mới, họ sẽ kiểm soát được kinh tế vĩ mô”.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình Nga gần đây, cho biết: “Chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn tiềm ẩn và chúng tôi phải có dự trữ cho sự ổn định”.

Có thể thấy, Nga đã “dự trữ” bằng cách rót hàng tỉ đô la cho Quỹ phúc lợi quốc gia, hỗ trợ hệ thống lương hưu. Dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương đã đạt gần 460 tỉ đô la trong những tháng gần đây. Giá trị vàng mà Nga đang nắm giữ đã tăng lên mức khoảng 80 tỉ đô la Mỹ, gần gấp đôi so với thời điểm năm năm trước.

Sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế hoàn thành việc rà soát thường xuyên nền kinh tế Nga vào tháng 5, các nhân viên của tổ chức này thừa nhận rằng, tăng trưởng thu nhập của Nga đã bị chững lại và tụt hậu so với các nước Đông Âu khác. Song họ ca ngợi chính phủ đã tạo ra một “khung chính sách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ” giúp giải quyết sự bất ổn đang gia tăng trong bối cảnh “căng thẳng địa chính trị mới”.

“Các biện pháp trừng phạt, kỳ lạ thay, lại như là chắp thêm cánh cho chính phủ và dạy họ hành động một cách tinh vi trong những tình huống rất khó khăn”, chuyên gia Alexandre Abramov bình luận trên Washington Post.

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277814/phat-nga-khong-de.html