Quốc gia châu Âu thứ 12 tham gia chương trình F-35

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias thông báo nước này đã chính thức ký thỏa thuận mua các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.

Trang mạng Breaking Defense mới đây dẫn lời Bộ trưởng Nikos Dendias nhấn mạnh: "Hy Lạp đang xây dựng lực lượng vũ trang mạnh thông qua việc mua loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới".

Air & Space Forces Magazine cho biết, Hy Lạp đã bắt đầu xúc tiến thương vụ F-35 từ năm 2019 nhưng sau đó buộc phải trì hoãn do khủng hoảng tài chính. Theo Breaking Defense, hồi tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ bán tới 40 máy bay F-35A cho Hy Lạp với tổng trị giá ước tính 8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thỏa thuận mới ký thì Hy Lạp sẽ mua 20 chiếc F-35A với tổng trị giá 3,76 tỷ USD.

 Một chiếc F-35A tại Căn cứ không quân Hill ở bang Utah của Mỹ, tháng 2-2024. Ảnh: Breaking Defense

Một chiếc F-35A tại Căn cứ không quân Hill ở bang Utah của Mỹ, tháng 2-2024. Ảnh: Breaking Defense

Thỏa thuận này được xem là "một nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa quan trọng đối với quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)" nhằm thay thế các máy bay F-4 và Mirage 2000. Hy Lạp sẽ nhận bàn giao những chiếc F-35A đầu tiên từ năm 2028 và dự kiến đến hết năm 2033 thì thương vụ sẽ được hoàn tất.

"Không quân Hy Lạp đã là đối tác của chúng tôi trong nhiều thập niên qua và chúng tôi rất vinh dự được tiếp tục mối quan hệ đó khi Hy Lạp trở thành quốc gia thứ 19 tham gia chương trình F-35. F-35 là máy bay tiêm kích duy nhất phù hợp để củng cố chủ quyền và năng lực tác chiến của Hy Lạp với các đồng minh", bà Bridget Lauderdale, Phó chủ tịch Tập đoàn Lockheed Martin kiêm Tổng giám đốc chương trình F-35 nhấn mạnh.

Lockheed Martin cũng tuyên bố việc Hy Lạp tham gia chương trình F-35 cho thấy tập đoàn "tiếp tục mở rộng sự hiện diện quốc tế". "Sự hiện diện ngày càng tăng của F-35 trên khắp châu Âu là minh chứng mạnh mẽ cho khả năng răn đe dựa trên liên minh, tạo nền tảng cho năng lực không quân thế hệ tiếp theo của NATO và các quốc gia đồng minh", bà Mara Motherway, Phó chủ tịch phụ trách phát triển chiến lược và kinh doanh của Tập đoàn Lockheed Martin khẳng định.

F-35A mà Hy Lạp mua là một trong 3 phiên bản (gồm F-35A, F-35B, F-35C) của F-35, vốn được cho là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, là dòng máy bay tiêm kích “làm thay đổi cuộc chơi”. Lầu Năm Góc quảng cáo F-35 là “loại máy bay có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”. Theo Defense One, F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới, ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ USD.

Air & Space Forces Magazine dẫn thông tin từ Tập đoàn Lockheed Martin cho biết, hiện có gần 1.000 chiếc F-35 đang hoạt động trên toàn cầu. Đến nay, các quốc gia đang vận hành hoặc mua F-35 là Mỹ, Anh, Canada, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Italy, Thụy Sĩ, Đức, CH Séc, Israel, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Hy Lạp.

 Người dân theo dõi máy bay F-35A của không quân Mỹ tại một sân bay quân sự ở Thụy Sĩ, tháng 6-2019. Ảnh: Business Insider

Người dân theo dõi máy bay F-35A của không quân Mỹ tại một sân bay quân sự ở Thụy Sĩ, tháng 6-2019. Ảnh: Business Insider

Air & Space Forces Magazine cho biết Hy Lạp là quốc gia châu Âu thứ 12 tham gia chương trình F-35. Tập đoàn Lockheed Martin ước tính đến những năm 2030 sẽ có hơn 600 chiếc F-35 được bố trí tại châu Âu, bao gồm cả các máy bay của không quân Mỹ đóng tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Lakenheath của Anh.

Theo Defense News, giải thích về thành công của F-35 tại thị trường châu Âu, giới phân tích cho rằng phải kể đến những lợi ích khi mua dòng máy bay tiêm kích vốn thường được sử dụng trong các sứ mệnh của NATO. Chuyên gia phân tích Dan Darling tại hãng tư vấn Forecast International (Mỹ) nhận định, khi có thêm nhiều quốc gia cùng lựa chọn mua máy bay F-35, khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội của các nước này trở nên ngày càng hiệu quả.

Ngoài ra, chuyên gia Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành hãng tư vấn AeroDynamic Advisory (Mỹ) lưu ý tới lộ trình nâng cấp máy bay F-35 với việc “liên tục cải tiến sản phẩm” nhằm bảo đảm dòng máy bay này sẽ “vẫn có giá trị” trong những thập niên tiếp theo. Mặc dù vậy, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là lực lượng không quân của nhiều quốc gia tại châu Âu có kế hoạch đến cuối thập niên này sẽ nâng cấp toàn bộ kho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư vốn đang ngày càng trở nên già cỗi. “Một phần là nhờ vào thiết kế và một phần cũng nhờ may mắn, máy bay F-35 đã xuất hiện đúng thời điểm”, chuyên gia Douglas Barrie của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh nhận xét.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/quoc-gia-chau-au-thu-12-tham-gia-chuong-trinh-f-35-787196