Phát thanh trong đời sống hiện đại
Trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ số, báo chí nói chung và phát thanh nói riêng đứng trước nhiều thách thức và bắt buộc phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Nhân Ngày phát thanh thế giới (13/2)
Ngày nay, phát thanh không đơn thuần là phát qua sóng FM hoặc nghe qua đài cát-sét, mà có nhiều phương thức truyền tải khác nhau. Phát thanh đã và vẫn luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.
Chị Hoàng Thị Hường ở tổ 9, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) là người thích nghe tin tức và các chương trình giải trí qua radio. Chị Hường công tác tại Trường Mầm non Bản Vược (huyện Bát Xát). Mỗi ngày chị phải di chuyển quãng đường hơn 20 km từ nhà đến trường và ngược lại. Công việc chuyên môn bận rộn nên chị ít có thời gian xem tin tức trên ti vi hoặc đọc báo, nhưng khoảng thời gian đi - về trên đường là lúc hợp lý để chị cập nhật tin tức trong ngày qua sóng FM trên ô tô.
Chị Hường cho biết: Việc nghe radio trên xe khi đi đường đã trở thành thói quen của tôi. Tôi thường nghe tin tức, đôi khi là nghe một chương trình ca nhạc yêu thích hoặc chương trình đọc truyện. Tôi thường phải di chuyển một mình nên bật radio nghe để vừa đỡ buồn vừa cập nhật được nhiều thông tin mới hoặc giải trí...
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, sóng phát thanh và các thiết bị phục vụ việc thu - phát - truyền thanh ngày càng được quan tâm đầu tư để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.
Cứ khoảng 6 giờ đến 6 giờ 30 phút và 17 giờ đến 18 giờ 30 phút hằng ngày, ông Trịnh Công Sơn, Bí thư Chi bộ bản Lâm Sản, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) lại bật bộ thu sóng FM truyền thanh không dây tại nhà để người dân trong vùng nghe tin tức và các chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai và Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau những giờ tiếp sóng phát thanh, ông sử dụng bộ thu sóng FM truyền thanh không dây để thông báo nội dung các văn bản chỉ đạo mới của cấp trên hoặc thông báo họp bản, họp chi bộ. Ông Sơn còn tự đầu tư dây kết nối để truyền thanh các chương trình hay từ ti vi, điện thoại thông minh của mình cho người dân trong vùng nghe.
Ông Sơn cho biết: Từ ngày được cấp bộ thu sóng FM truyền thanh không dây, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc những thông báo mới cho người dân trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, giúp những người đứng đầu thôn, bản như chúng tôi đỡ vất vả. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nếu không có bộ thu sóng và hệ thống loa truyền thanh của địa phương thì rất khó thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Năm 2018, xã Bảo Hà được đầu tư 35 bộ thu sóng FM truyền thanh không dây (1 máy thu - phát sóng FM, 1 đôi loa và 1 micro) cho các cụm dân cư ở 24 thôn, bản. Các bộ thu được bàn giao cho những người đứng đầu thôn, bản và lắp đặt ở những vị trí thuận tiện cho việc tiếp sóng, truyền thanh cũng như tiếp nhận thông tin của người dân, nhằm xóa các “điểm mù” khi sóng FM gốc không thể phủ tới, đồng thời hỗ trợ công tác tuyên truyền của cán bộ địa phương tại các thôn, bản vùng cao, vùng xa.
Theo bà Trần Thu Hiền, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai, phát thanh hay truyền thanh cơ sở có lợi thế nổi bật là dù ở bất cứ đâu, ngoài đồng ruộng, trên các cung đường hay đang nghỉ ngơi... công chúng đều có thể tiếp nhận thông tin. Tốc độ của sóng phát thanh còn nhanh và lan tỏa mạnh hơn cả internet. Do đó, những nội dung, vấn đề tuyên truyền có tính cổ động, hiệu triệu hoặc tuyên truyền dài hơi, sự kiện rất hiệu quả, tỷ lệ người tiếp nhận thông tin cao. Loại hình phát thanh phù hợp với những nội dung, vấn đề tuyên truyền cần nhanh, tức thì, thông tin đến nhiều người mà chi phí thấp. Chính những đặc trưng này mà phát thanh tồn tại bền vững và không dễ bị phủ định khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão.
Tuy nhiên, hiện nay, các loại hình báo chí luôn có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhằm thu hút công chúng. Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai đã có nhiều đổi mới từ hình thức thể hiện đến nội dung chương trình.
Các chương trình phát thanh hiện nay được sản xuất theo hướng hội tụ, với sự tham gia của lực lượng phóng viên đông đảo, đa năng nên thông tin được cập nhật nhanh chóng, đa dạng, phong phú. Thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai là 17,5 giờ/ngày, với tổng số 91 đầu chương trình, gồm các chuyên đề, chuyên mục, bản tin, chương trình giải trí trên cả sóng phát thanh tiếng Việt và phát thanh tiếng các dân tộc. Mỗi năm, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai sản xuất và phát sóng hơn 2.800 chuyên đề, chuyên mục, bản tin, chương trình giải trí. Ngoài các kênh FM, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai còn có kênh podcast riêng, các chương trình cũng được đăng tải đều đặn trên trang thông tin điện tử laocaitv.vn.
“Chúng tôi đang khảo sát nhằm nghiên cứu thói quen, sở thích của khán, thính giả các lứa tuổi, ở các vùng, địa phương trong tỉnh nhằm cho ra đời các chương trình phù hợp với nhu cầu của công chúng. Đài sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, đặc biệt là xây dựng thêm nhiều chương trình có sự tương tác với thính giả, qua đó tạo sự gắn bó, liên kết, tin tưởng giữa đài với công chúng” - bà Trần Thu Hiền, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai cho biết thêm.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364609-phat-thanh-trong-doi-song-hien-dai