Phát tiền không phải là chính sách tiền tệ

Việc Chính phủ phát tiền trực tiếp cho người dân để kích thích chi tiêu là một biện pháp thuộc về chính sách tài khóa, đây là chính sách mà Chính phủ, không phải Ngân hàng Trung ương can thiệp vào nền kinh tế thông qua các công cụ về chi tiêu và thuế.

Vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo chính sách sẽ phát cho mỗi công dân một số tiền tương đương 110 đô la Mỹ. Việc phát tiền, về lý thuyết, sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn. Chỉ cần người dân đẩy mạnh chi tiêu, bức tranh kinh tế của một đất nước có thể trở nên tươi sáng hơn rất nhiều. Mỗi đồng chi tiêu của người này sẽ trở thành thu nhập của người khác, dòng tiền sẽ lan tỏa trong nền kinh tế.

Chính sách tài khóa là chính sách thúc đẩy hoặc thu hẹp chi tiêu, công cụ thường thấy nhất là chi tiêu của Chính phủ. Ví dụ, với chính sách tài khóa mở rộng, các giải pháp có thể là thúc đẩy đầu tư công, một cách dễ hiểu hơn là giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp. Tất cả những giải pháp này, dù khác nhau về hình thức nhưng đều có chung một đích đến cuối cùng là thúc đẩy nhu cầu, kích thích chi tiêu trong xã hội.

Ví dụ, khi nhà nước tích cực đầu tư công, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, số tiền đầu tư đó sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp xây dựng, đến các nhà cung cấp nguyên vật liệu như cát, xi măng, sắt thép. Tiền đó tiếp tục chảy về túi người lao động, họ có thêm thu nhập để mua sắm, đi du lịch. Về bản chất, việc phát tiền trực tiếp cho người dân cũng tương tự như việc thúc đẩy đầu tư công hay giảm thuế, đều là các giải pháp thuộc chính sách tài khóa.

Vậy còn chính sách tiền tệ? Đó là chính sách do Ngân hàng Nhà nước, còn gọi là Ngân hàng Trung ương đảm nhiệm. Họ điều tiết lượng tiền được bơm ra nền kinh tế chủ yếu thông qua công cụ lãi suất. Lãi suất có thể hiểu chính là giá của tiền. Họ có thể đưa ra các mức lãi suất tham chiếu để tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại. Hoặc có thể mua bán trái phiếu, tín phiếu trên thị trường để tăng hoặc giảm lượng tiền trong lưu thông. Những giải pháp này sẽ tác động đến cung tiền ra nền kinh tế, với mục tiêu điều tiết lạm phát, ổn định giá cả và kích thích tăng trưởng.

Trong thực tế, hai chính sách tài khóa và tiền tệ thường được tiến hành song song để điều tiết nền kinh tế của một quốc gia, được sử dụng khi nền kinh tế bị đình trệ hoặc ngược lại là khi tăng trưởng quá nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với trường hợp của Hàn Quốc, lý do họ phải dùng đến biện pháp phát tiền là do nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu đình trệ khi GDP quý I vừa qua bất ngờ giảm 0,2%.

Tuy nhiên, không có một giải pháp nào là “cây đũa thần” có thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Với việc phát tiền, Hàn Quốc sẽ phải đối diện với rủi ro lạm phát gia tăng hoặc đồng Won của nước này có thể bị mất giá so với các ngoại tệ khác.

Minh Thư

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phat-tien-khong-phai-la-chinh-sach-tien-te-345396.htm