Phát triển bền vững - 'Chìa khóa' gia tăng sức hấp dẫn của các khu công nghiệp Việt Nam
Các khu công nghiệp đang giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... của cả nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và gia tăng sức hấp dẫn của các khu công nghiệp còn rất nhiều việc phải triển khai, giải quyết.
Đây là những ý kiến đáng chú ý được đại diện Bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia kinh tế và chính những doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng ngày 28/3/2024 tại Hà Nội.
Các khu công nghiệp đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước
Dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến nay cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, đã có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
“Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên quá trình phát triển bền vững của các KCN, qua đó gia tăng sức hấp dẫn và sức cạnh tranh của chính các KCN và góp phần vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện 1 nghiên cứu, khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 KCN trên cả nước.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp: chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó là những “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN.
Xu hướng phát triển tất yếu hiện nay
Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề đang được quan tâm trong phát triển KCN theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam như: Hiện trạng phát triển khu công nghiệp Việt Nam và góp ý xây dựng chính sách phát triển khu công nghiệp bền vững; Đánh giá về thực trạng tăng phát thải CO2 tại các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay; Xu hướng toàn cầu về phát triển khu công nghiệp bền vững; Kinh nghiệm, phát triển mô hình KCN cộng sinh - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon, xanh hóa KCN; Phát triển Logistics, hoàn thiện chuỗi cung ứng xanh trong các KCN; Xây dựng mạng lưới KCN bền vững tại Việt Nam; Quản lý khu công nghiệp, Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào phát triển bền vững KCN Việt Nam...
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo bà Hiếu, hiện nay cả nước có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Vì vậy, dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tương tự, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Với xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Giải pháp nào để các khu công nghiệp phát triển bền vững và gia tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh?
Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện các nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn một số tỉnh, thành phố cho biết, hiện nay nhu cầu hạ tầng, mặt bằng KCN phục vụ sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thường đặt ra yêu cầu đáp ứng về các kho hàng hiện đại, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư kinh doanh, đào tạo, tuyển dụng nhân lực, kết nối hạ tầng vận tải, logistics... theo hướng liên kết những dịch vụ chung mà các doanh nghiệp có thể cộng sinh, cùng sử dụng, khai thác.
Chính xu thế phát triển bền vững tất yếu và nhu cầu của các khách hàng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tạo ra động lực cho nhiều KCN trên cả nước từng bước thay đổi, chuyển dịch theo hướng bền vững, sinh thái.
Ông Ling Foong - Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam bày tỏ, trở thành “điểm nóng” về sản xuất công nghiệp và hậu cần đồng nghĩa với nhu cầu phát triển các KCN chất lượng cao tại Việt Nam ngày càng tăng nhằm mang lại môi trường làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành, thúc đẩy sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.
Nhìn lại sự phát triển của mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, ông Ling Foong cho biết, khu công nghiệp trải qua 4 giai đoạn chuyển đổi từ khu công nghiệp cơ bản thành mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh để có thể đáp ứng các yếu tố sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí.
Ông Ling Foong cho biết thêm: Các cơ sở công nghiệp của Frasers Property Vietnam hướng tới mục tiêu chiến lược vượt qua giai đoạn 2 - khu vực sản xuất phát triển ở mức cao hơn khi được xây dựng để trở thành một phần của phát triển đô thị và từng bước đạt tới giai đoạn 3 - tổ hợp đa dạng và năng động gồm chuỗi cơ sở vật chất công nghiệp bao quát cùng các dịch vụ an sinh xã hội và giai đoạn 4 - kiến tạo khu công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh, thực hành nhân tố bền vững; cung cấp dịch vụ khác trong khu công nghiệp như sân chơi thể thao ngoài trời, các không gian để người lao động và nhân viên nghỉ ngơi, trao đổi ý tưởng...
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho rằng, việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tăng cường đổi mới và sự hợp tác; Nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu tại thời điểm hiện tại, đồng thời giảm các rủi ro và pháp lý có thể trong tương lai; Tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong KCN cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng...
Để đạt được yêu cầu của KCN bền vững, chúng ta cần có các cam kết mạnh mẽ hơn và có kế hoạch hành động để đẩy mạnh các cam kết này. Theo bà Loan, khu công nghiệp đang hướng tới thực hiện việc thu thập dữ liệu, báo cáo và công bố thông tin. Tuy nhiên trong đó còn có nhiều khó khăn, đầu tiên là một số vấn đề về nguồn vốn và tài chính. Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó các quy định pháp lý của nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho các khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình...
Từ góc độ địa phương quản lý các KCN trên địa bàn, ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện có 9 khu công nghiệp, các khu công nghiệp của Quảng Ninh chủ yếu là dự án FDI. Thực tiễn dự án của FDI chủ yếu ở KCN, trong khi đó thu hút FDI ở khu kinh tế (KTT) còn thấp với những vướng mắc ở vấn đề pháp lý.
Theo ông Phúc, thể chế chính sách liên quan tới KCN, KTT cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Bởi hiện nay mới ở mức Nghị định, do đó, cần ban hành Luật về KCN, KTT để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch KCN, KTT hiện rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
"Chúng ta cần nghiên cứu các cơ chế chính sách tạo động lực phát triển hơn cho các KCN, KTT", ông Phúc nhận định.
Về huy động nguồn lực ngân sách đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đánh giá còn hạn chế. Nguồn lực phân bổ hạn chế, chính sách hu hút nguồn lực vào các khu vực đấu nối hạ tầng cũng thấp hơn. Do đó, cần chính sách hiệu quả hơn...
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies cho biết, người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện là những khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo xu hướng phát triển của toàn cầu, các nhãn hàng và người tiêu dùng Hoa Kỳ đều mong muốn thể hiện tính bền vững trong sản phẩm hàng hóa do nhãn hàng sản xuất trong chuỗi cung ứng.
CEO Bay Global Straegies cho rằng, để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 hướng tới NetZero vào năm 2050 và đáp ứng yêu cầu của các thị trường, khách hàng, Việt Nam cần chú trọng thu hút đầu tư chất lượng cao; chú trọng sản xuất xanh cung cấp sản phẩm giảm dấu chân carbon đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải tính đến sự cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực cũng đang tích cực đón đầu sự thay đổi chuỗi cung ứng và nắm bắt xu hướng toàn cầu.
Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp, bà Virginia Foote cho rằng, thứ nhất, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Thứ hai, khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.
Thứ ba, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong khu công nghiệp để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không.
Thứ tư, các địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề…; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế… thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Cuối cùng, để có thể thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, các khu công nghiệp cung cấp chương trình phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu mà các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm.