Phát triển bền vững doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đã chuyển đổi mô hình hoạt động, tiếp tục phát triển thành thương hiệu lớn.

Bên cạnh đó, cũng có những đơn vị mất dần tên tuổi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Kinh nghiệm từ phát triển doanh nghiệp (DN) cho thấy, công tác quản trị là yếu tố hàng đầu quyết định thành công. Quản trị tốt giúp DN có định hướng đúng, bắt nhịp với thay đổi của thị trường, đạt được bước tiến vững chắc trong sản xuất, kinh doanh.

Khi các cổ đông không cùng chung một hướng

Không khó để nhận ra đặc điểm chung của những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, như: Vinamilk (Công ty CP Sữa Việt Nam), FPT (Tập đoàn Công nghệ FPT), REE (Công ty CP Cơ điện lạnh)... đều có nguồn gốc là các DNNN. Đây là những đơn vị đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, luôn duy trì được giá trị vốn hóa cao, là những mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sự phát triển của các DN này là minh chứng rõ rệt cho những kết quả tích cực từ chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm chi phối. Tuy nhiên, từ góc độ khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đã có những tên tuổi ngày càng mai một, sản xuất kinh doanh đi xuống sau khi rời khỏi bàn tay Nhà nước. Có thể lấy ví dụ như một số tổng công ty xây dựng công trình giao thông, được biết đến với thương hiệu CIENCO, đang dần vắng bóng tại các dự án, công trình lớn.

 Doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Ảnh: TRỌNG HẢI

Doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Ảnh: TRỌNG HẢI

Cuối năm 2018, thương vụ thoái 100% vốn Nhà nước tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được các nhà đầu tư đón nhận tích cực. Qua đấu giá, hơn 57% cổ phần tại Vinaconex đã được Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán thành công với giá cao hơn đáng kể so với giá niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, Vinaconex đã chuyển đổi mô hình hoạt động từ DNNN nắm cổ phần chi phối sang chủ sở hữu tư nhân. Cổ đông lớn nhất của Vinaconex hiện nay là Công ty TNHH An Quý Hưng sau khi mua lại 57,7% cổ phần từ SCIC. Hai cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần. Là DN lớn trong ngành xây dựng, tuy nhiên sau khi chuyển sang chủ sở hữu tư nhân, hoạt động của Vinaconex đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân do một số cổ đông không đồng tình với quy chế hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) và quy chế tài chính của DN khi trao quá nhiều quyền cho Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Theo ý kiến của một số cổ đông, người đứng đầu Vinaconex hiện có quyền quyết định đầu tư tài sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng là không hợp lý và mang tính rủi ro, trước đây cổ đông lớn như SCIC quyền quyết định chỉ tới 15 tỷ đồng. Trong khi việc tranh cãi chưa ngã ngũ, nhiều nhà đầu tư bày tỏ e ngại con đường phía trước của Vinaconex còn gập ghềnh.

Nâng cao vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập

Đánh giá về mô hình DN cổ phần, theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Đây là loại hình DN tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã chứng minh được tính ưu việt, đặc biệt là tách bạch giữa cổ đông, các chủ sở hữu với bộ máy quản lý điều hành. Đối với việc có tình trạng các cổ đông nhỏ bị lép vế trong quản lý, điều hành DN khi có cổ đông lớn nắm quyền chi phối, ông Phạm Đức Trung cho rằng, pháp luật hiện hành đã có quy định bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ. Theo Luật DN năm 2014, cổ đông đại diện cho từ 10% cổ phần trở lên có quyền triệu tập đại hội cổ đông, đề cử người vào HĐQT, ban kiểm soát... Tuy nhiên, trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc phát sinh khi cổ đông nhỏ thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông không phân biệt lớn hay nhỏ cũng chính là bảo đảm sự phát triển của DN, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng: "Khi các cổ đông không đồng thuận, về lâu dài chắc chắn DN bị ảnh hưởng. Hiện nay có hai công cụ chính để các cổ đông nhỏ bảo vệ quyền lợi của mình, thứ nhất là đề nghị sự can thiệp của cơ quan chức năng như tòa án khi thấy cổ đông lớn làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và dòng tiền của DN. Thứ hai, phát huy vai trò của thành viên HĐQT độc lập với tư cách là người giám sát, có tiếng nói bảo vệ cổ đông". Tuy nhiên, ở nhiều DN tại Việt Nam, thành viên HĐQT độc lập còn bị xem nhẹ. Muốn phát huy được vai trò, thành viên này phải thật sự độc lập, khách quan, không bị ràng buộc lợi ích bởi cổ đông lớn, có đủ kiến thức chuyên môn để thực hiện chức năng giám sát. "Tại không ít DN niêm yết có thực tế là cổ đông lớn nắm hơn 51% cổ phần tự cho mình có quyền quyết định hoạt động của DN, thậm chí thao túng giá cổ phiếu, "rút ruột", đến khi cổ đông khác biết thì DN đã sa sút. Điều này có nguyên nhân do vai trò của thành viên HĐQT độc lập với tư cách người giám sát còn mờ nhạt", ông Nguyễn Thế Minh bày tỏ. Khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bài học từ những DN thành công cho thấy, muốn đạt được bứt phá cần phải tập trung nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, tổ chức bộ máy hợp lý.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ben-vung-doanh-nghiep-sau-co-phan-hoa-thoai-von-583116