Phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Trong gần 30 năm kể từ khi hình thành và phát triển đến nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất trong các loại hình hợp tác xã (HTX), từng bước khẳng định vị thế của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng. Trong tương lai, đây vẫn là một kênh dẫn vốn cần thiết để huy động vốn tại chỗ, giải quyết cho vay phục vụ sản xuất tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen.

Quỹ tín dụng nhân dân Kon Dơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) có quy mô tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: SƠN CA

Quỹ tín dụng nhân dân Kon Dơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) có quy mô tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: SƠN CA

Trong gần 30 năm kể từ khi hình thành và phát triển đến nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất trong các loại hình hợp tác xã (HTX), từng bước khẳng định vị thế của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng. Trong tương lai, đây vẫn là một kênh dẫn vốn cần thiết để huy động vốn tại chỗ, giải quyết cho vay phục vụ sản xuất tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen.

Nâng cao hiệu quả mô hình

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với khu vực kinh tế hợp tác và loại hình QTDND. Điều này được thể hiện qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của mô hình HTX từ các văn bản luật đến các nghị quyết của Đảng để nâng cao hiệu quả mô hình. Trong đó với hệ thống QTDND, Bộ Chính trị có riêng Chỉ thị số 57/CT-TW về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, mới nhất là Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2019. Trong vai trò cơ quan chủ quản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xác định củng cố, hoàn thiện và phát triển QTDND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, NHNN đã tập trung nhiều công sức vào công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, kịp thời xây dựng, ban hành các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn liên quan đến tổ chức, kiên quyết các giải pháp củng cố, thường xuyên chấn chỉnh hoạt động, góp phần khắc phục được một bước những bất cập, yếu kém trong hoạt động của QTDND. Đồng thời tiến hành hoàn thiện mô hình hệ thống QTDND phù hợp từng giai đoạn để phát huy vai trò của quỹ trong khai thác và cung ứng vốn tại chỗ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vùng kinh tế khó khăn trong cả nước.

Những trợ lực bằng nguồn vốn, bằng cơ chế, chính sách đã góp phần đưa hệ thống QTDND phát triển cả về chất và lượng so với ngày đầu chuyển đổi mô hình năm 1993, nhất là sau khi triển khai Chỉ thị số 57. Tính đến nay, hệ thống QTDND có gần 1.200 quỹ hoạt động ở 57 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, với gần 1,6 triệu thành viên. Dư nợ cho vay của hệ thống QTDND tăng dần qua từng năm, từ 2.633 tỷ đồng năm 2003, đến nay đã đạt hơn 90.483 tỷ đồng, tăng gấp hơn 34 lần.

Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi rất nhiều so với ngày đầu thành lập hệ thống QTDND. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) với sự xuất hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính vi mô đã phần nào chiếm lĩnh thị trường truyền thống của các QTDND. Cùng với đó là xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh về nông thôn của hệ thống các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã tác động đáng kể đến thị phần và nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của các thành viên, khách hàng của QTDND. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng cung ứng các sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ đến từng bản làng vùng sâu, vùng xa của các TCTD đang làm thu hẹp đi vai trò và sự cần thiết của QTDND tại nhiều địa phương. Trước những áp lực bên ngoài về cạnh tranh và bên trong là đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hệ thống QTDND đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp. Đây cũng là một nguyên do khi một số quy định được ban hành song khó thực thi, tạo kẽ hở cho một số sai phạm trong thời gian vừa qua. Vì vậy, cần đặt sự phát triển của hệ thống QTDND trong bối cảnh mới, nhận diện mới để phân tích thấu đáo, từ đó từng bước định hướng phát triển cũng như tìm ra cơ chế quản lý mới, phù hợp.

Hướng tới phát triển bền vững

Các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng như hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật vừa được ban hành (nhất là Thông tư 21 của NHNN) đã tạo ra bước chuyển tiếp khi bước vào giai đoạn phát triển mới, giải quyết trước mắt những vấn đề bất cập, bảo đảm ổn định an toàn lành mạnh và hiệu quả, tránh đổ vỡ và an toàn hệ thống QTDND. Theo đó, NHNN đã xây dựng và chuyển dần sang cơ chế quản lý theo quy mô, cấp độ gia tăng tài sản của mỗi quỹ, hoàn thiện cơ chế tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của quỹ cũng như liên kết giữa mỗi QTDND, Ngân hàng Hợp tác, Hiệp hội QTDND, quỹ bảo toàn để tạo sự an toàn hệ thống QTD. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát đánh giá quy mô thị trường trên từng địa phương để tiếp tục sắp xếp lại, xác định sự cần thiết khách quan số lượng QTDND tại từng địa phương theo yêu cầu an toàn, ổn định là mục tiêu trước mắt. Đồng thời, tăng cường các chính sách, cơ chế hỗ trợ khi gặp khó khăn về thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND cho đúng với bản chất mô hình của loại hình tín dụng hợp tác.

Vừa qua, NHNN đã khảo sát tại Tập đoàn Desjardins, Ca-na-đa - mô hình Việt Nam đã và đang vận dụng những năm cuối thế kỷ 20. Đáng lưu ý, qua gần 30 năm, hệ thống QTD đã thay đổi rất nhiều để thích ứng và đóng góp lớn vào sự phát triển của Ca-na-đa, thì ở Việt Nam hầu như vẫn giữ nguyên mẫu hoặc đổi mới không đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, Desjardins có hơn năm triệu thành viên và đưa ra nhiều quyền lợi chăm sóc để họ gắn bó với quỹ. Trong đó, cung cấp gần như tất cả các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng và thành viên của quỹ với các dịch vụ đa dạng từ cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng cơ bản; các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn; các dịch vụ ủy thác, tín dụng nông nghiệp, đầu tư... Tuy nhiên, nguyên tắc bất di bất dịch của họ phải là thành viên đúng nghĩa. QTD không có chuyện cho vay ra ngoài, huy động ngoài thành viên. Còn ở QTD của Việt Nam, quyền lợi lớn nhất của thành viên có lẽ chủ yếu là quyền được vay vốn.

Vì vậy, thời gian tới, cần có những nghiên cứu tổng thể mọi phương diện, hướng tới xây dựng một nền tảng quản lý tổ chức vận hành mới cho sự phát triển của hệ thống QTDND theo kinh tế thị trường và phù hợp tiến trình cơ cấu lại các TCTD. NHNN sẽ hoạch định sắp xếp mạng lưới các TCTD sao cho hợp lý bảo đảm sự tồn tại và tiếp tục phát huy được vai trò của hệ thống QTDND. Đồng thời, xây dựng hệ thống liên kết đủ mạnh để QTDND nhận thức ra chỉ có liên kết mới tồn tại và phát triển như những kinh nghiệm của Ca-na-đa và một số quốc gia. Tuy nhiên, việc cải cách hệ thống QTD hướng đến các mục tiêu lâu dài là việc làm cần có lộ trình phù hợp, không làm ảnh hưởng đến vai trò và những kết quả tích cực hiện nay đối với các quỹ vẫn đang hoạt động ổn định lành mạnh và phát triển.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43063202-phat-trien-ben-vung-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan.html