Phát triển bền vững khó khăn nhưng không nằm ngoài tầm tay của doanh nghiệp

Hành trình chuyển đổi xanh, đi tới Net Zero 2050 đặt ra rất nhiều thách thức cho các nền kinh tế, đòi hỏi những hành động mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần thay đổi cách tiếp cận và tăng cường kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị, đồng thời thúc đẩy hợp tác đa bên.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ 11, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định rằng trong bối cảnh hiện tại, phát triển bền vững không chỉ là một lựa chọn mà là yêu cầu chiến lược đối với mọi doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness tại sự kiện, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho rằng việc đạt mục tiêu Net Zero là một quá trình phức tạp và không hề dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp phải chia nhỏ mục tiêu thành nhiều giai đoạn để thực hiện. Đến năm 2025, Nestlé Việt Nam dự kiến giảm 20% lượng phát thải so với mức cơ sở của năm 2018, thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi từ canh tác thô sơ sang phương pháp bền vững, phát triển nông nghiệp tái sinh.

Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững.

Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững.

Ông Nirukt Sapru, Chủ tịch Jardine Matheson Group Việt Nam, nhận định quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm đến mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ và giảm dấu chân carbon. Tuy con đường phát triển bền vững này có nhiều thách thức, nhưng đó là hướng đi tất yếu mà các doanh nghiệp cần vượt qua.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn và bền vững. Ví dụ, Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (Hậu Giang) đã tận dụng vòng tuần hoàn của cây lúa bằng cách chăn nuôi bò từ rơm, trồng nấm, và sau đó sử dụng chất thải làm phân bón. Mô hình này đã giúp tối ưu hóa chuỗi sản xuất và giảm thiểu lãng phí.

Công ty Cổ phần Phú Tài (Bình Định) tận dụng phụ phẩm từ cây gỗ để sản xuất viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là một minh chứng cho thấy phát triển bền vững hoàn toàn khả thi đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt quy mô.

Các ngành chủ lực xuất khẩu như nông, lâm, thủy sản cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI và Chủ tịch VBCSD, nhấn mạnh rằng mục tiêu Net Zero là vô cùng cấp bách và cần sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, mà còn hưởng lợi từ việc tăng cường uy tín thương hiệu và sự tăng trưởng dài hạn.

Ông Vinh khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và áp dụng các mô hình phát triển bền vững như ESG và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) để nâng cao khả năng cạnh tranh trong dài hạn.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/phat-trien-ben-vung-kho-khan-nhung-khong-nam-ngoai-tam-tay-cua-doanh-nghiep-1102270.html