Phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải miền trung và phía nam
Ngày 13-9, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Tạp chí Cộng sản phối hợp Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung và phía nam dựa trên lợi thế so sánh'.
NDĐT – Ngày 13-9, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Tạp chí Cộng sản phối hợp Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung và phía nam dựa trên lợi thế so sánh”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo một số địa phương ven biển miền trung và phía nam.
Các tham luận tại hội thảo tập trung xoay quanh các vấn đề: Thực trạng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên lợi thế so sánh của nước ta nói chung, đối với các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung và phía nam nói riêng trong thời gian qua; Nhận diện, phân tích làm rõ những tồn tại bất cập đã và đang nổi lên trong quá trình thực hiện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển trong thời gian qua tại các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung và phía nam có biển, cùng với những nguyên nhân khách quan, chủ quan tạo ra những bất cập; nêu rõ được những vấn đề đặt ra cần khắc phục; đồng thời cũng gợi mở những ý tưởng mới nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tăng cường liên kết để phát triển kinh tế biển, nhưng không nên chỉ giới hạn ở liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương mà còn phải liên kết đa chiều, tức là liên kết từ trong nhận thức, từ chủ trương, chính sách, liên kết giữa các vùng, các địa phương, ngành cho đến người dân phải có một sự kết nối chặt chẽ với nhau. Có như vậy thì chúng ta mới có thể động viên tổng lực các nguồn lực của đất nước để phát triển nền kinh tế biển nói riêng và cả nền kinh tế nói chung”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam qua tìm hiểu sự tương tác giữa phát triển kinh tế biển đảo với đô thị hóa vùng duyên hải đưa ra ý tưởng: Trước đây đất nước chúng ta trong nền kinh tế nông nghiệp thì chỗ dựa kinh tế biển sẽ là nông thôn và nông nghiệp. Nhưng hiện nay chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thì chỗ dựa kinh tế biển phải là hệ thống đô thị vùng duyên hải. Cho nên chúng ta phải quan tâm đến đô thị hóa các đô thị ở vùng duyên hải, tuyến đô thị ấy là điểm tựa vững chắc, là động lực và tạo ra sức mạnh để phát triển kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển và đô thị hóa vùng duyên hải là hai mặt có mối liên kết hữu cơ và có sự tương tác trực tiếp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Thạc sĩ Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: “Một trong những đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển thì cần phải đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền để có nhận thức đúng đắn về bối cảnh hiện tại, yêu cầu và xu hướng để làm tốt công tác triển khai các hoạt động phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Thông tin, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong các hành vi ứng xử với biển, ý thức khai thác bền vững tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
Các nội dung tham luận được các nhà quản lý, khoa học trình bày tại hội thảo đã gợi mở đưa ra những ý tưởng mới mang tính khả thi, phản ánh xu hướng tiến bộ, phát triển. Các ý kiến cũng như bài tham luận đã đề cập rất tập trung vào vấn đề phát huy lợi thế so sánh để phát triển kinh tế biển ở khu vực duyên hải miền trung và phía nam. Đồng thời, đã phác thảo lên những lợi thế so sánh trên các lĩnh vực, như phát triển du lịch; phát triển năng lượng tái tạo; khai thác các chế phẩm từ biển, các tài nguyên sinh vật và vi sinh vật biển…
Các ý kiến, tham luận cũng đã nêu ra mâu thuẫn phải giải quyết để khai thác các lợi thế so sánh, biến tiềm năng thành động năng để khai thác có hiệu quả, như: Mâu thuẫn giữa tiềm năng mong muốn với những rào cản của tư duy, thể chế, nhân lực…; Mâu thuẫn phát triển mục tiêu của địa phương với vùng và liên vùng; Mâu thuẫn giữa phát triển manh mún, đơn lẻ, lập thể với phát huy lợi thế so sánh đòi hỏi phải có tư duy hệ thống. Đồng thời cũng đưa ra mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cùng với đó, các tham luận cũngđề xuất và kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các địa phương những giải pháp cơ bản thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh; đề xuất kiến nghị ở cả từng chủ trương, từng chính sách và các biện pháp nội dung thực hiện, cả điểm và diện; vấn đề về nhận thức; giữ vững bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán môi trường hòa bình cho phát triển kinh tế. Thực trạng vai trò của quy hoạch đối với những vấn đề quan trọng như liên kết vùng, liên kết ngành phát triển các cụm ngành để phát huy các lợi thế so sánh biển; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, triển khai thực hiện một số khâu đột phá: Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu… như Nghị quyết số 36-NQ/TW (khóa XII) đề ra.