Phát triển bền vững nghề biển ở Lý Sơn

Ở huyện Lý Sơn, nhiều ngư dân đã cùng góp tiền đóng tàu theo dạng 'cổ phần' để đi biển. Sự đoàn kết, cùng chung trách nhiệm đối với con tàu của mỗi thành viên đã giúp cho hoạt động đánh bắt, phát triển nghề biển ở Lý Sơn thêm bền vững.Góp vốn đóng tàu

Sau chuyến vươn khơi đánh bắt dài ngày ở vùng biển Trường Sa, ngư dân Trần Biên, ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) cùng các thành viên trong đội tàu của mình đã cập bờ để bán cá, nghỉ ngơi, lấy nhiên liệu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Đợt này, nhờ giá cá nục cao (70 nghìn đồng/kg) nên sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên trên tàu nhận được từ 10 - 30 triệu đồng.

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị nguyên liệu để vươn khơi đánh bắt dài ngày.

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị nguyên liệu để vươn khơi đánh bắt dài ngày.

Anh Biên chia sẻ, lúc đầu tôi và 3 anh em ruột trong gia đình cùng nhau hùn vốn đóng tàu đi biển. Sau này, nhiều anh em khác cũng xin hùn vốn để cùng đi đánh bắt. Sau nhiều lần “kết nạp”, đến giờ đội tàu của chúng tôi đã lên đến 40 người. Chúng tôi không quy định số tiền bắt buộc phải hùn vào, mà tùy theo điều kiện của mỗi người. Vậy nên, có người bỏ ra từ 500 - 700 triệu đồng, nhưng cũng có người chỉ góp 30 - 50 triệu đồng. Người góp nhiều và có kinh nghiệm sẽ được làm thuyền trưởng và việc ăn chia cũng dựa trên số tiền đóng góp.

Đối với người dân trên đảo Lý Sơn, ngoài trồng hành, tỏi, thì đánh bắt hải sản cũng là nghề chính của người dân. Để sắm một chiếc tàu đủ điều kiện đi đánh bắt xa bờ, ngư dân phải bỏ ra hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để sắm tàu to. Bên cạnh đó, nếu nhà nào cũng đóng tàu đi biển thì việc thuê lao động rất khó khăn. Xuất phát từ thực tế cũng như văn hóa cộng đồng tương trợ lẫn nhau của người dân Lý Sơn, mà những ngư dân trên đảo đã chọn cách cùng hùn vốn đóng tàu đi biển.

Chính sự đoàn kết, cùng chung trách nhiệm đối với con tàu của mỗi thành viên đã giúp hoạt động đánh bắt, phát triển nghề biển ở Lý Sơn thêm bền vững. Vì vậy, trong khi các địa phương khác chật vật tìm lao động đi biển, thì ở Lý Sơn các thuyền trưởng không lo vấn đề này.

Hướng đến nghề cá bền vững

Để thuận tiện cho việc đánh bắt và đưa cá kịp thời vào bờ bán cho thương lái, các đội tàu ở huyện Lý Sơn đều trang bị cả tàu đánh bắt và tàu hậu cần. Ngư dân Lê Văn Tân, ở thôn Đông An Vĩnh chia sẻ, trước kia, không có tàu hậu cần thì sau khi đánh bắt đầy cá, tàu phải chạy vào bờ khoảng 3 ngày để bán cá rồi mới đi đánh bắt tiếp. Còn bây giờ đã có tàu hậu cần nên cứ an tâm đánh bắt, chuyện đưa cá vào bờ bán không còn lo nữa. Trung bình một chuyến vươn khơi kéo dài từ 17 - 20 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt, nếu gặp luồng cá thì có thể đi đánh bắt luôn, tàu hậu cần sẽ chở cá về bờ bán và quay ra "tiếp sức" cho tàu đánh bắt.

Nhằm trợ lực cho ngư dân phát triển kinh tế biển, những năm qua, Agribank Lý Sơn đã đẩy mạnh cho vay vốn để ngư dân đóng mới tàu thuyền và mua sắm ngư, lưới cụ. Ở huyện Lý Sơn, hầu như gia đình nào làm biển cũng đều vay vốn ngân hàng. Cũng nhờ nguồn vốn vay mà nhiều ngư dân trên đảo mới hiện đại hóa được những đội tàu có công suất lớn.

“Nếu không có nguồn vốn của ngân hàng thì ngư dân chúng tôi sẽ rất khó có khả năng để hùn vốn đóng tàu đi biển. Từ 1 chiếc ban đầu, đến nay đội tàu của chúng tôi có 5 chiếc; trong đó, có 2 chiếc đánh bắt hải sản và 3 chiếc hậu cần. Trung bình mỗi năm, đội tàu của tôi đánh bắt được từ 400 - 500 tấn cá các loại”, ngư dân Trần Biên chia sẻ.

Hiện trên địa bàn huyện Lý Sơn có trên 540 phương tiện tàu, thuyền hoạt động khai thác thủy sản với các nghề chính như lặn, lưới vây, câu, dịch vụ hậu cần.

Bài, ảnh: HOA LÊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202405/phat-trien-ben-vung-nghe-bien-o-ly-son-ad61c7b/