Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ – Bài 2: Bước tiến lớn từ nông nghiệp thông minh
Tại Đông Nam Bộ, nông nghiệp thông minh đang mở ra những triển vọng, tương lai mới cho ngành nông nghiệp bền vững.
![Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_294_51442931/f40db49480da698430cb.jpg)
Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, thích ứng với thời tiết và biến đổi khí hậu; đáp ứng nhu cầu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hội nhập quốc tế, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, hiệu quả và phát triển bền vững. Là một xu hướng toàn cầu, nông nghiệp thông minh đã đánh dấu bước tiến lớn trong cách vận hành sản xuất và tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp.
Đột phá từ công nghệ 5.0
Ứng dụng công nghệ 4.0 đang là nền tảng. Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị khi tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2004, Thành phố đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 88 ha tại huyện Củ Chi. Đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước và đến nay được xem là một trong những mô hình hoạt động đúng hướng và hiệu quả nhất. Trung tâm Công nghệ Sinh học cũng được thành lập cùng thời điểm trên diện tích 23 ha tại quận 12 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với sự phát triển nhanh và năng động của một đô thị đứng đầu cả nước.
Tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ tháng 3/2021, anh Đặng Dương Minh Hoàng (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Hợp tác xã đã ứng dụng triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Hợp tác xã đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, doanh nghiệp, kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu bền vững.
Bên cạnh đó, anh Đặng Dương Minh Hoàng còn thành lập Nông trại Thiên Nông gồm 50 ha; trong đó, 30 ha trồng cao su, 8 ha hồ tiêu và 12 ha bơ với phương châm kinh doanh “sản phẩm từ nông trại đến trực tiếp tay người tiêu dùng không qua kênh trung gian”. Hiện nay, Nông trại Thiên Nông đang áp dụng các công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp như: tưới tiêu tự động sử dụng internet vạn vật, điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera giám sát toàn vườn, máy bay không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cao su, nhật ký điện tử AutoAgri truy xuất nguồn gốc thông qua tem nhãn/mã QR, thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm. Chính từ việc áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong lao động sản xuất nên thương hiệu “Bơ ông Hoàng” và tiêu Organic của Nông trại Thiên Nông đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mặt tại các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và cả nước ngoài.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước Đặng Dương Minh Hoàng cũng khẳng định, hiện nay xu hướng sử dụng thực phẩm sạch đang được người tiêu dùng rất quan tâm và tìm kiếm. Do đó, nếu chúng ta không biết ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông sản hữu cơ thì sẽ mất nhiều cơ hội để kết nối người tiêu dùng, tạo niềm tin cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.
Tây Ninh là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng trong vùng Đông Nam Bộ về nông nghiệp. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã thu hút được 122 dự án nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, 66 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần tăng trưởng ngành chăn nuôi 52% so với năm 2020. Trong các dự án, nổi bật như liên doanh Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã và đang triển khai chuỗi dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại Tân Hội với công suất 20 triệu quả trứng/năm; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang mở rộng quy mô trang trại lên 16.000 con bò sữa và xây dựng nhà máy chế biến sữa; Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam triển khai xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến hiện đại công nghệ Châu Âu; đạt tiêu chuẩn Global GAP. Ngoài ra, Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đa dạng hóa ngành công nghiệp chế biến như gỗ MDF giúp nâng cao giá trị và kinh tế địa phương. Song song đó, ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh cũng có những bước tiến mạnh mẽ, chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với hơn 75% trang trại áp dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 587 trang trại tập trung đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư tại Tây Ninh; trong đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã đầu tư 7 dự án thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Các dự án này bao gồm hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn nhấn mạnh, đơn vị này sẽ cùng các thành viên xây dựng chuỗi liên kết gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN tạo chuỗi giá trị khép kín “từ nông trại tới bàn ăn”. Chuỗi giá trị này sẽ mang lại giá trị doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tây Ninh và nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chuyển đổi số là giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những “hố đen” của ngành. Chính vì vậy, phải xác định chuyển đổi số là một cuộc hành trình, áp dụng liên tục. Đoàn tàu chuyển đổi số còn đang loay hoay ở sân ga, song không thể chậm trễ hơn được.
Nhiều dư địa phát triển
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhận định, với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, Bình Phước cần có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước - Phạm Thụy Luân, Bình Phước có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp. Do đó, đến năm 2030, Bình Phước phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chủ yếu là sản phẩm cây ăn trái) với quy mô khoảng 10.800 ha, tập trung vào các huyện: Bù Gia Mập 2.000 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Phú Riềng 1.500 ha, Bù Đốp 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Hớn Quản 1.000 ha, Đồng Phú 700 ha và thị xã Bình Long 600 ha.
Tỉnh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô 9.500 ha, tập trung tại các huyện: Bù Gia Mập 2.500 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Hớn Quản 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Phú Riềng 800 ha, Bù Đốp 600 ha và Đồng Phú 600 ha. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển chăn nuôi heo, gà theo mô hình tập trung tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng. Cùng đó, Bình Phước có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Đồng Xoài 68 ha với tổng mức đầu tư 264 tỷ đồng; Thanh Lễ 260 ha, mức đầu tư 1.402 tỷ đồng; Đồng Phú 496 ha khoảng 259 tỷ đồng; Hải Vương 650 ha khoảng 2.500 tỷ đồng và khu trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha khoảng 179 tỷ đồng.
Tp. Hồ Chí Minh cũng nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng hiệu quả từ 3 - 4 Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực giống thủy sản nước mặn/lợ quy mô 89,7 ha tại huyện Cần Giờ; khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch quy mô 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa, quả), thủy sản (cá cảnh) quy mô 200 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao lĩnh vực giống gia súc (heo, bò, dê), chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi quy mô 200 ha tại huyện Củ Chi.
Thành phố còn nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; xây dựng mới Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi heo, bò thịt công nghệ cao, trở thành nòng cốt trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Tây Ninh đặt mục tiêu trong thời gian tới phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Đình Xuân cho biết, địa phương phấn đấu đạt diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030; nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng với dư địa lớn cùng với nguồn tài nguyên đất, nước dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn./