Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 5 - Tổ chức lại sản xuất vùng cam Cao Phong
Sau giai đoạn phát triển
Sau giai đoạn phát triển "nóng”, đây là thời gian cam Cao Phong bước vào chu kỳ tái canh lớn nhất. Khoảng lặng này là cần thiết để nhìn nhận lại, đánh giá những cái được, cũng như tồn tại, hạn chế để có giải pháp căn cơ nhằm phát triển và giữ vững thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, tổ chức lại sản xuất vùng cam là tất yếu!
Thực hiện đề án tái canh cây có múi
Quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học khiến nhiều diện tích đất ở vùng cam Cao Phong chai cứng, mất kết cấu. Cùng với đó là hệ vi sinh vật đất nghèo nàn, tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh. Đặc biệt, quá trình tăng "nóng” diện tích trong thời gian ngắn đã gây ra nhiều hệ lụy, khiến hàng nghìn ha cam phải chặt bỏ. Trước thực tế đó, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND về phê duyệt đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
"Tái canh cây ăn quả có múi, trong đó có cây cam được xác định là tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, hợp tác xã có liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm”, đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2025 của đề án là tập trung tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500 ha. Theo đó, đưa toàn bộ diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đạt 8 chỉ tiêu quan trọng. Như 100% diện tích trồng tái canh sử dụng nguồn giống sạch bệnh được khai thác từ cây đầu dòng hoặc từ hệ thống nhân giống 3 cấp; cây giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia; cấp được ít nhất 50 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói; ít nhất 10 sản phẩm quả tươi hay sản phẩm sơ chế, chế biến được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên…
Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật cho người dân. Trước mắt triển khai mô hình cánh đồng mẫu tái canh tại thị trấn Cao Phong. Mô hình có quy mô 13,98ha với 32 hộ, 33 vườn, các hộ tự nguyện tham gia. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Bùi Văn Dán chia sẻ: Các hộ dân đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mẫu được hỗ trợ về giống cây sạch bệnh, được phân tích mẫu đất, cải tạo đất trước khi trồng mới hoặc tái canh. Những vườn đã trồng từ trước cũng được lấy mẫu đất để phân tích, từ đó khuyến cáo người dân có biện pháp tác động vào đất để đất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất cam đạt chất lượng.
Ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình rất phấn khởi khi các thành viên của công ty được hưởng lợi từ đề án tái canh. Ông Tuyền chia sẻ, những năm 2019 - 2022, giá cam xuống thấp khiến người trồng cam lao đao. Nhưng từ vụ cam năm ngoái, giá cam đã tăng trở lại, nhất là đầu vụ cam năm nay, dự báo giá tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước. Theo đề án, công ty được giao đến năm 2025 phát triển diện tích cam đạt 500ha. Trong năm 2023 - 2024, công ty đã được hỗ trợ về cây giống và đã hoàn thành trồng diện tích cánh đồng mẫu, hiện cây phát triển tốt. "Với những sự hỗ trợ thiết thực, chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu được giao theo đề án tái canh”, ông Tuyền khẳng định.
Thay đổi tư duy để phát triển cây cam bền vững
Sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan hữu quan có ý nghĩa quan trọng để phát triển bền vững vùng cam Cao Phong. Nhưng một yếu tố cũng không kém phần quan trọng khác quyết định sự thành bại với cây trồng "khó tính” này chính là thay đổi trong tư duy sản xuất. Những người gặt hái thành công mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều có điểm chung là rất quan tâm đến "sức khỏe” của đất.
Ông Phạm Văn Cường, khu 3, thị trấn Cao Phong, người có vườn cam luôn xanh tốt và đều đặn thu tiền tỷ mỗi năm. Có thời điểm nhiều vườn xung quanh bị vàng lá, thối rễ nhưng vườn cam của ông Cường vẫn cho năng suất, chất lượng ổn định. Bí quyết của ông gói gọn trong 6 từ "áp dụng khoa học kỹ thuật”. Bởi theo ông, trồng cam không dành cho những "tay mơ", nếu cứ lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học thì trước sau cũng thất bại.
"Phân bón cho cây rất quan trọng, phải đưa các chất vi sinh vào để phân hủy chất hữu cơ trong đất, chứ lạm dụng phân bón hóa học sẽ khiến đất chai cứng, cây kém phát triển rồi chết. Bên cạnh đó, việc phối trộn hợp lý thuốc BVTV rất quan trọng, đặc biệt là chất điều hòa sinh trưởng cho cây”, ông Cường chia sẻ. Ông Cường cũng nhấn mạnh, phải yêu nghề, gắn bó với cây trồng và luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi, sáng tạo thì mới có thành công lâu dài. Ông chính là chủ nhân của sáng kiến bể phun thuốc BVTV hình trụ thay cho bể hình vuông, hình chữ nhật truyền thống hiện được áp dụng rộng rãi. Gần đây, ông tiếp tục nghiên cứu ra chất bám dính để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV với chi phí rẻ, hiệu quả được ông "khoe” cao gấp nhiều lần. Với những nỗ lực đó, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho nền nông nghiệp Việt Nam…
Một điển hình khác là ông Nguyễn Văn Trường, xóm Dệ, xã Bắc Phong. Gia đình ông Trường sở hữu vườn cam rộng 8.000m2. Mặc dù vườn cam đã bước sang tuổi thứ 17 nhưng vẫn "sung sức”, mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Có được điều đó là do từ nhiều năm trước, ông Trường đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây cam. Đặc biệt trong giai đoạn "hoàng kim”, khi nhiều hộ lạm dụng phân bón hóa học, ông Trường lại chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh. Bởi ông quan niệm, đất tốt thì cây mới phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, như thế cũng là để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình.
"Những năm gần đây, chúng tôi rất chú trọng về dinh dưỡng của đất. Đó là lý do vì sao năm 2023, sản phẩm cam quả của chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Anh quốc, một thị trường rất khó tính ở châu Âu. Với 921 chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không có dư lượng thuốc BVTV, dư lượng kim loại nặng trong đất đã minh chứng cho nỗ lực trong sản xuất cam sạch của công ty. Chúng tôi mong muốn được ngành chức năng tiếp tục quan tâm, nhất là "kê đơn, bốc thuốc” vì sâu bệnh vẫn là một trong những rủi ro lớn. Qua đó giúp cam Cao Phong phát triển, giữ vững thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế”, những bộc bạch của ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình cũng là mong mỏi của những người trồng cam ở đất Mường Thàng.
Có thể nói, với những nỗ lực của ngành chức năng, sự thay đổi về tư duy sản xuất của người trồng cam là yếu tố quan trọng để khắc phục những bất cập sau giai đoạn phát triển "nóng”. Đây cũng là nền tảng để tiếp tục phát triển thủ phủ cam Cao Phong hướng tới những giai đoạn "hoàng kim” tiếp theo trong tương lai…