Phát triển bền vững vùng cam Cao Phong: Bài 1 - Giữ thương hiệu nông sản nổi tiếng

Cam Cao Phong từ khi xây dựng được thương hiệu đã khẳng định được uy tín, có ưu thế trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

>> Bài 2 - Thách thức trong phát triển bền vững

>> Bài 3 - Phát triển bài bản, cam Cao Phong sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế

Chủ cửa hàng cam sạch Thanh Loan, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đóng thùng cam vận chuyển về tỉnh Thái Nguyên theo đơn đặt qua mạng.

Chủ cửa hàng cam sạch Thanh Loan, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đóng thùng cam vận chuyển về tỉnh Thái Nguyên theo đơn đặt qua mạng.

Định danh pháp lý, định vị thương hiệu

Huyện Cao Phong có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây cam. Trải qua hành trình xây dựng, phát triển, cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp miền Bắc, từng bước vươn ra cả nước với trình độ thâm canh cao, bộ giống đa dạng, có năng suất, chất lượng tốt, đặc trưng và nhận được nhiều chứng nhận, giải thưởng. Nổi bật nhất, ngày 5/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL) "Cao Phong” cho các sản phẩm cam của huyện. Đó là 4 giống cam: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao, cam Canh tại thị trấn Cao Phong và 5 xã. CDĐL nay chứng nhận thêm giống cam V2 được trồng tại huyện từ năm 2004 đã có tính ổn định di truyền và mở rộng ra tất cả 10 xã, thị trấn của huyện.

Với kết quả này, cam Cao Phong được bảo hộ toàn lãnh thổ Việt Nam và là 1 trong 39 CDĐL của nước ta được bảo hộ tại Liên minh châu Âu EU. Đặc sản cam Cao Phong đã trở thành niềm tự hào không chỉ của huyện mà của cả tỉnh. Đến nay, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp CDĐL - hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định.

Từ khi được cấp chứng nhận CDĐL, danh tiếng cam Cao Phong càng được khẳng định, tạo được chữ tín đối với khách hàng, là một trong những thương hiệu vàng của nông nghiệp Việt Nam. Cam Cao Phong từng được chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay của Vietnam Airlines. Huyện Cao Phong trở thành vùng sản xuất cam hàng hóa lớn, tập trung với trình độ thâm canh cao, là điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước. Một trong những minh chứng là chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "cam Cao Phong” trên Google, ngay lập tức đã cho khoảng 211 triệu kết quả. Hiện nay, huyện Cao Phong có 1.917,29 ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích cây cam 1.530,36 ha, quýt 84,5 ha. Sản lượng niên vụ 2021 - 2022 khoảng trên 22.000 tấn. Huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giữ thương hiệu, từ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đến phát huy vai trò của Ban kiểm soát CDĐL, Hội sản xuất và kinh doanh cam Cao Phong. Các ngành của tỉnh và Trung ương cũng có những hỗ trợ trong quản lý CDĐL, kết nối tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn huyện hiện có 550,25 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều chủ vườn, hợp tác xã chú trọng sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn.

Tiêu biểu trong sản xuất cam hữu cơ là HTX 3T Farm. Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX cho biết: "HTX thành lập năm 2018, diện tích hiện có gần 20 ha, sản lượng khoảng trên 200 tấn. Chúng tôi ủ chuối, đậu tương, cá tép và trồng sả, ớt, gừng để bón, phun cho cam thay vì dùng phân và thuốc hóa học. HTX đã có sản phẩm "cam - quà tặng cao cấp” là sản phẩm OCOP 4 sao. Với cách canh tác như vậy, sản lượng không nhiều nhưng chất lượng đảm bảo, sản phẩm đáp ứng phân khúc khách hàng trung - cao cấp; đặc biệt là an toàn cho chính người sản xuất, người tiêu dùng. Sản phẩm cam của HTX được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch đặt. Giá cam lòng vàng tại vườn chính vụ đạt khoảng 20.000 đồng/kg. Vừa qua, HTX được hỗ trợ dây chuyền rửa, sấy cam từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cam của HTX được chọn phục vụ tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.” Cách sản xuất theo phương pháp hữu cơ, VietGAP cũng được anh Phạm Văn Bách có vườn cam ở xã Thu Phong, Phạm Văn Nam ở thị trấn Cao Phong và nhiều chủ vườn khác áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng, giữ thương hiệu cho cam Cao Phong.

Khẳng định giá trị thương hiệu trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn chung do dịch Covid-19, cam Cao Phong cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cam Cao Phong đang chịu sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm cam cùng nhóm ở các vùng khác và sản lượng đang cho thấy cung có dấu hiệu vượt cầu. Theo thống kê, diện tích cam trong nước tăng "nóng", bình quân 10%/năm trong 10 năm gần đây. Nhiều vùng ở miền Bắc phát triển cam như Lục Ngạn (Bắc Giang), Hàm Yên (Tuyên Quang), Văn Chấn (Yên Bái), Hà Giang, Hưng Yên... với diện tích trên 22.000 ha. Ngay tại các huyện khác trong tỉnh cũng phát triển trên 5.300 ha cam.

Theo ông Hoàng Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nhiệp (Bộ KH&CN), tại Hà Nội sản phẩm cam có nhiều nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, giá bán lẻ 10.000 - 50.000 đồng/kg tùy thương hiệu và kênh phân phối. Nổi trội nhất là thương hiệu cam Cao Phong và cam Vinh. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, thực phẩm sạch, sản phẩm có bao bì, tem nhãn cam Cao Phong có giá bán cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại ở các vùng trồng khác. Theo khảo sát, trung bình giá cam Cao Phong cao hơn 1,5 - 2,5 lần.

Trước khó khăn kép về dịch bệnh và cạnh tranh, huyện Cao Phong đã chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm như với Bưu điện tỉnh, Viettel đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn... Xây dựng kịch bản tiêu thụ cam theo cấp độ dịch Covid-19 từ thấp đến cao.

Với chất lượng, thương hiệu và linh hoạt trong phương thức tiêu thụ, các loại cam Cao Phong chín sớm đã thu hoạch xong và tiêu thụ ổn định, giá bán tại huyện không thấp hơn so với năm 2020. Cụ thể như cam CS1 giá bán tại vườn 18 - 20.000 đồng/kg; cam Marrs 20 - 22.000 đồng/kg... Đối với những diện tích cam được đầu tư, chăm bón tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chuỗi liên kết, việc tiêu thụ vẫn ổn định, hầu như không gặp khó khăn. Hiện đang bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ với các loại cam Xã Đoài, cam Canh, cam Sông Con... Sản phẩm cam chất lượng vẫn tiếp tục được ký hợp đồng tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn trong nước như BigC, VinMart, Metro, Incomex, Hapro... Đến nay, 4 HTX, 1 doanh nghiệp và 1 cơ sở kinh doanh được cấp quyền sử dụng CDĐL "Cao Phong” với trên 2.000 hộ sản xuất cam. Giá trị thu nhập bình quân mỗi ha cam 200 - 300 triệu đồng.

HTX Hà Phong có 300 ha cam, là đơn vị chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hiện mô hình "Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi”. Với sản lượng khoảng 800 tấn/năm, cam của HTX có đủ các điều kiện để tham gia kênh phân phối siêu thị, được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, chế biến được 9 sản phẩm từ cam (nước cam lên men, nước cốt cam, tinh dầu cam, rượu cam…). Việc sản xuất, tiêu thụ cam của HTX vẫn ổn định trong khó khăn. Vấn đề được rút ra là chất lượng, thương hiệu, liên kết sản xuất - tiêu thụ là những yếu tố quyết định đến giá trị của sản phẩm và cam Cao Phong chất lượng tốt vẫn khẳng định được ưu thế đó trong bối cảnh cạnh tranh.

(Còn nữa)

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/161099/phat-trien-ben-vung-vung-cam-cao-ph111ng-bai-1-giu-thuong-hieu-nong-san-noi-tieng.htm