Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa an ninh, quốc phòng hết sức quan trọng.
Thời gian qua, nhiều nghị quyết, văn bản về vùng đã được Đảng, Nhà nước ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Triển khai thực hiện với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Bài 1: Vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước
Qua điều tra, nghiên cứu, giới khoa học trong và ngoài nước luôn đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vị trí địa kinh tế và địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN có biên mậu và giao thương quốc tế. Với số dân gần 18 triệu người, diện tích gần 4 triệu héc-ta, chiếm 12% tổng diện tích cả nước, đất đai màu mỡ... đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và thủy sản.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức cho sự phát triển như: thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thay đổi dòng sông Mê Công, tình trạng chặt phá rừng gây tác hại ngày càng nặng nề; đầu tư cho vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn dàn trải;...
Thực tế ghi nhận, với chủ trương đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua luôn coi trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, nỗ lực tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung khai thác mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương cũng coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng-an ninh.
Đổi mới và những chuyển động tích cực
An Giang là tỉnh có đường biên giới dài; có số dân lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 8 cả nước, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo cao. Quy mô kinh tế của tỉnh hiện đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, văn minh.
Trao đổi về nhân tố quan trọng của sự phát triển, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Lê Văn Nưng cho biết, trong nhiều nhiệm kỳ, tỉnh luôn coi trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng đất và con người An Giang, từng bước xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Những kết quả đạt được đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.
Tỉnh đã và đang triển khai các chủ trương, giải pháp để năm 2025 phát triển thuộc nhóm đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế ở An Giang cũng như nhiều địa phương trong vùng cho thấy, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc luôn gắn liền với bảo đảm quốc phòng-an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, trải dài bên bờ phải sông Hậu. Thành phố đang có bước phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong vùng.
Cần Thơ ghi dấu ấn trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nhiều năm liền thành phố dồn sức, nỗ lực xây dựng và phát triển thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình này thành phố đã kết hợp, phát huy hiệu quả giữa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và nội lực của thành phố, giữa ngân sách nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách để tập trung đầu tư xây dựng và phát triển thành trung tâm động lực phát triển, là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố đã hoàn thành và triển khai Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Các mục tiêu, giải pháp bảo đảm phát triển thành phố theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh và trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, ở vùng hạ lưu nam sông Hậu, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Lâm Văn Mẫn trao đổi, kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020 luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,15%/năm; tăng trưởng GRDP bình quân đầu người là 9,38%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đang mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới. Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước đột phá. Năm 2021 vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành nuôi và xuất khẩu tôm của địa phương vẫn tăng trưởng mạnh. Tính chung kim ngạch xuất khẩu (tôm và gạo) của Sóc Trăng trong năm đạt gần 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch và tăng gần 15% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, Võ Văn Chiêu cho biết, tỉnh lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về xuất khẩu tôm.
Gần đây, thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh Cà Mau vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa dồn sức phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân... Quá trình triển khai dự án ứng dụng khoa học-kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa-tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh đã mang lại thành công lớn.
Năng suất lúa thơm ở tỉnh tăng cao, từ 3,1 tấn/ha ở năm đầu, sang năm thứ hai đạt 5 tấn/ha, có hộ dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã đạt hơn 6 tấn/ha. Cả lúa và tôm trong mô hình đạt chứng nhận VietGAP. Nông dân tham gia dự án này đều đánh giá cao hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại cho người dân. Riêng đối với con tôm càng xanh, năng suất năm đầu đạt trung bình 272 kg/ha, nay đạt từ 350 kg/ha. Nhiều hộ nuôi đạt 500 đến 600 kg/ha…
Những bước đi đột phá
Về tổng thể, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang ghi dấu những thành quả ấn tượng, khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước. Đến nay ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang chiếm 47% diện tích gieo trồng và 55% sản lượng lúa, hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% diện tích nuôi trồng và sản lượng thủy sản của cả nước và đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 34,6% GDP ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP của vùng. Những thành tựu về nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đưa nước ta từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và tiếp tục tăng nhanh trong những năm qua. Sản lượng lúa của vùng đã tăng từ 19 triệu tấn năm 1989 lên hơn 43 triệu tấn; sản lượng gạo xuất khẩu tăng từ 1,3 triệu tấn lên 6,5-7 triệu tấn/năm, đạt giá trị xuất khẩu từ 0,4 tỷ USD lên 3,2-3,5 tỷ USD/năm…
Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Tương tự, ngành kinh tế chủ lực thứ hai của vùng là thủy sản cũng có sự phát triển nhanh, với sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh từ 0,5 triệu tấn năm 1990 lên gần 3 triệu tấn năm 2020, trong đó, phát triển mạnh là ngành hàng cá tra và tôm nước lợ…, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xếp thứ 4 về sản xuất và thứ 5 về xuất khẩu thủy sản của thế giới.
Thực tế khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng, nổi bật là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thật sự đi vào cuộc sống trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có kinh tế tăng trưởng khá, quy mô được mở rộng; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhiều dự án trọng điểm đi vào hoạt động. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực; nhiều hình thức liên kết hợp tác được hình thành góp phần thay đổi diện mạo vùng.
Chất lượng giáo dục-đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước được nâng cao; quốc phòng-an ninh được giữ vững, góp phần bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc…
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế tình hình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng, vẫn còn những “điểm nghẽn” cùng nhiều hạn chế, bất cập. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có thêm nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, tạo đột phá cho phát triển toàn vùng trong giai đoạn và bối cảnh mới.