Phát triển cà phê đặc sản: Cơ hội và thách thức. Bài 2: Cần những giải pháp thích ứng, hiệu quả

Cà phê là một trong 3 cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, nguồn thu nhập chính của hơn 8.000 hộ gia đình, trong đó có 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, do thị trường liên tục biến động, giá thu mua xuống thấp, năng suất giảm sút do cây cà phê già cỗi, thoái hóa… nên người dân không còn mặn mà với cây cà phê. Do vậy, việc tái canh cây cà phê, phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, trồng cà phê theo chuỗi liên kết được xem là định hướng quan trọng nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng cà phê trong những năm tiếp theo.

Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua tái canh cây cà phê

Toàn tỉnh hiện có gần 4.100 ha cà phê, trong đó có gần 3.000 ha đang cho thu hoạch. Hiện có thực trạng là nhiều diện tích cà phê trồng từ trước năm 2000 đến nay đã già cỗi, thoái hóa, cộng với việc thâm canh sản xuất chưa đúng kỹ thuật đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tái canh trồng mới, “trẻ hóa” cây cà phê, ngành nông nghiệp và huyện Hướng Hóa còn đưa vào trồng thử nghiệm một số giống cà phê mới chất lượng cao như THA1, TN9. Qua đó đã góp phần hồi sinh nhiều diện tích cà phê.

Gia đình bà Lê Thị Thanh ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng trồng 2 ha cà phê từ những năm 2000. Do già cỗi, năng suất thấp nên năm 2020 gia đình bà Thanh tái canh toàn bộ vườn cà phê. Được Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, vườn cà phê tái canh của bà Thanh phát triển tốt, ít sâu bệnh. Niên vụ vừa qua, mặc dù mới thu hoạch lứa đầu tiên nhưng năng suất đã đạt trên 6 tấn quả tươi/ha.

Vùng nguyên liệu cà phê nông lâm kết hợp theo liên kết với Công ty Slow Forest Coffee - Ảnh: L.A

Vùng nguyên liệu cà phê nông lâm kết hợp theo liên kết với Công ty Slow Forest Coffee - Ảnh: L.A

Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn cho biết, trong các năm 2020 - 2022, Trung tâm KN tỉnh đã xây dựng mô hình tái canh cà phê với tổng diện tích 30 ha tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên và thị trấn Khe Sanh, sử dụng giống cà phê chè Catimor và giống THA1. Đến nay sau 3 năm triển khai, mô hình đã cho thu hoạch quả bói năm đầu tiên với năng suất bình quân 5 - 6 tấn quả tươi/ha. Điều này đã đem lại tâm lý lạc quan cho các hộ tham gia mô hình.

Theo ông Cẩn, việc sử dụng các giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao thay thế diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của đề án tái canh cây cà phê của tỉnh. Thông qua đó nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê Quảng Trị, xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh, thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận khẳng định, cây cà phê được xác định là cây công nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh của huyện. Do vậy, nhằm cải tạo, thay thế diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp chiếm hơn 50% diện tích cà phê hiện có, những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các hội, đoàn thể với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỉ đồng, nông dân trên địa bàn huyện đã tái canh bằng phương pháp thâm canh trồng mới được trên 600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh…

Theo đánh giá, các vườn tái canh cho năng suất cao hơn so với các vườn kinh doanh năm thứ 10 - 15 từ 1,2 - 1,5 lần. Đặc biệt, với việc thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, hiện tại Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập tổ chỉ đạo thực hiện liên kết tiêu thụ cà phê với Công ty Slow Forest Coffee nhằm thống nhất trong hoạt động. Dự kiến năm 2023 sẽ tư vấn và hỗ trợ xây dựng 1 dự án liên kết và 2 kế hoạch liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê với quy mô 180 ha. Đối với cà phê đặc sản, dự kiến đến năm 2025 phát triển tại xã Hướng Phùng với diện tích khoảng 60 ha. Trong đó có 20 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Sản lượng dự kiến 20 tấn cà phê nhân. Đây được xem là hạt nhân, nền tảng để mở rộng, phát triển cà phê đặc sản trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới chi phí ban đầu tương đối lớn, trong khi phần lớn người trồng cà phê là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn.

Giá cà phê bấp bênh, có nhiều biến động, không ổn định và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngày công ngày càng tăng cao đã ảnh hưởng đến tâm lý của người trồng cà phê, cản trở sự đầu tư, chăm sóc, tái canh cà phê. Nông dân ở một số vùng không có thu nhập nên bỏ hoang vườn cà phê, không chăm sóc; một số diện tích được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn.

Thiên tai thường xuyên xảy ra, trong khi trồng cà phê ở Quảng Trị chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sử dụng “nước trời”, do đó năng suất hằng năm không ổn định, chất lượng thấp. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tái canh cà phê còn ít, nhất là công tác giống, hệ thống tưới. Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp rất hạn chế, phần lớn sản phẩm cà phê của nông dân được thu mua qua thương lái.

“Quan điểm của huyện là tiếp tục tục duy trì, phát triển cây cà phê với diện tích khoảng 5.000 ha, hằng năm tiếp tục tái canh từ 120 - 150 ha. Đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thay thế các giống cũ có năng suất thấp và thoái hóa giống. Tập trung áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê trên địa bàn”, ông Thuận cho biết thêm.

Liên kết để phát triển

Để phát triển cà phê bền vững, một giải pháp tất yếu là phải hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. HTX Nông sản Khe Sanh là một trong những đơn vị đi đầu trong chuỗi liên kết với người trồng cà phê để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các phương thức canh tác mới.

Cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê, HTX đã vận động người trồng cà phê từ bỏ lối canh tác cũ cùng thói quen thu hoạch cà phê xanh và ngâm nước. Thay vào đó là sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ, HTX sẽ đứng ra bao tiêu cà phê bảo đảm chất lượng để phục vụ chế biến.

Chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản -Ảnh: L.A

Chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản -Ảnh: L.A

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh cho biết, ngoài việc trồng mới, HTX tập trung hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc, tái canh và cải tạo diện tích cà phê lâu năm. Trước đây, trong quá trình canh tác, chăm sóc do không tuân thủ quy trình kỹ thuật nên nông dân không bón phân cho cà phê đúng tiêu chuẩn, định lượng.

Khi thu hoạch thì mạnh ai nấy làm, khiến tình trạng thu hoạch không đảm bảo tỉ lệ quả chín, trộn tạp chất để tăng trọng lượng. Tuy nhiên hiện nay, HTX đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật cũng như giám sát quy trình thực hiện của người dân. Đối với thu hoạch, HTX yêu cầu khi cây đạt 95% quả chín trở lên thì mới được thu hái và không ngâm quả vào nước, không được trộn tạp chất thì mới được HTX thu mua.

“Mưa dầm thấm lâu”, mô hình sản xuất cà phê sạch của HTX đã từng bước giúp người dân thay đổi tập quán, từ đó nâng cao giá bán, giảm chi phí trong quá trình chế biến cũng như bảo đảm được chất lượng môi trường.

“Hiện HTX đang liên kết với hơn 100 hộ nông dân là đồng bào dân tộc Vân Kiều trong việc canh tác, thu hoạch cà phê theo các tiêu chí sạch do HTX đưa ra và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn gần gấp 2 lần so với giá thị trường”, bà Hằng cho hay.

Ngoài HTX Nông sản Khe Sanh, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Pun Coffee, HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây... liên kết với các tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân sản xuất cà phê với quy mô hơn 100 ha tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, thị trấn Khe Sanh. Với hình thức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và ký hợp đồng thu mua sản phẩm trên diện tích liên kết để sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Đặc biệt, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ Công ty Slow Forest Coffee (Đan Mạch) trong việc liên kết với các hộ gia đình và các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết cà phê chất lượng cao nông lâm kết hợp.

Cụ thể, theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025 công ty sẽ liên kết với các nông hộ trồng cà phê xây dựng vùng nguyên liệu cà phê nông lâm kết hợp cà phê sinh thái với diện tích khoảng 1.000 ha. Cam kết thu mua khoảng 300 tấn cà phê thóc từ nông dân và các cơ sở/HTX chế biến trong niên vụ cà phê năm 2023; và từ 500 - 600 tấn trong các năm 2024 - 2025 với giá thu mua cà phê quả tươi cố định là 12.000 đồng/kg cộng với tỉ lệ lạm phát hằng năm. Nông dân được tạm ứng 50% giá trị khối lượng cà phê quả tươi theo hợp đồng cung ứng trước thời điểm thu hoạch.

Đồng thời, được hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững, cung cấp giống cây che bóng (cây ăn quả, cây thân gỗ không khai thác) cũng như cung cấp giống cây cà phê cho các hộ phù hợp có nhu cầu. Mục tiêu của công ty là đến cuối năm 2030 đạt 100% chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Đối với cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trồng cà phê về hiệu quả của sản xuất cà phê đặc sản, ngành nông nghiệp đang tập trung rà soát thực trạng vùng cà phê đang có ở xã Hướng Phùng và các xã lân cận đáp ứng điều kiện sản xuất cà phê đặc sản để quy hoạch vùng trồng cà phê đặc sản trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Từ đó có giải pháp phù hợp trong việc tái canh, phục hồi, cải tạo hoặc trồng mới. Hỗ trợ những HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất cà phê đặc sản trong các khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, pha chế. Khuyến khích liên kết với doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê đặc sản. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác, nông dân đã khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp.

Trong đó, HTX đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cà phê. Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỉ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân nhiều hơn.

Còn với nông dân tham gia chuỗi liên kết, sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp, không phải qua trung gian. Đồng thời, nông dân cũng nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.

Lê An - Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/phat-trien-ca-phe-dac-san-co-hoi-va-thach-thuc-bai-2-can-nhung-giai-phap-thich-ung-hieu-qua/176056.htm