Phát triển các làng hoa Đà Lạt - nhìn từ Nghị quyết 07
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 5/5/2017 của Thành ủy Đà Lạt về 'Phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025', các làng hoa trên địa bàn thành phố như Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành, Hà Đông... đã được định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững. Công tác quy hoạch được quan tâm, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha canh tác được nâng lên. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong làng hoa.
Thực tế, khi chưa ban hành Nghị quyết 07, hầu hết các làng hoa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất hoa thương phẩm chưa đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các dịch vụ phục vụ nhu cầu du khách chưa đa dạng. Việc gắn kết, hình thành các tuyến du lịch từ các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Đà Lạt đến các làng hoa còn chưa cao…
Tuy nhiên, đến nay, chúng ta nhận thấy rõ du lịch canh nông đã phát triển, lượng khách đến tham quan, thưởng lãm tại các làng hoa ngày càng tăng. Các dịch vụ du lịch canh nông phát triển theo hướng phong phú, đa dạng và hấp dẫn du khách hơn. Từng bước hình thành và công nhận các điểm du lịch canh nông, hình thành mới các tuyến du lịch kết nối những điểm tham quan của thành phố đến làng hoa. Những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của nghề trồng hoa được khơi dậy, giữ gìn và phát huy, đến nay, cơ sở hạ tầng các làng hoa từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng bước đầu nhu cầu phục vụ khách. Đặc biệt, thông qua tuyên truyền thực hiện nghị quyết, ứng dụng thực tế, đến nay, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác của bà con nông dân được tăng lên đáng kể so với trước khi ban hành Nghị quyết 07. Thành phố đã hình thành và công nhận các làng hoa đạt tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao và có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Qua việc thực hiện Nghị quyết 07 của Thành ủy cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn của thành phố, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất nhằm tạo nên những dịch vụ du lịch mới. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ nhu cầu của du khách, thực tiễn phát triển nông nghiệp và dịch vụ của địa phương. Đây là 2 thế mạnh của tỉnh, trong đó Đà Lạt là chủ lực.
Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 07, giá trị thu hoạch bình quân đất canh tác hoa đạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người tại các làng hoa đạt trên 120 triệu đồng/người/năm. Diện tích canh tác hoa tại các làng hoa ứng dụng đồng bộ công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chí đạt 94% tổng diện tích canh tác hoa. Đã có 2 làng hoa Vạn Thành (Phường 5) và làng hoa Thái Phiên (Phường 12) được công nhận đạt tiêu chí vùng nông nghiệp công nghệ cao. Các làng hoa đã hình thành được các tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Đã thành lập mới 3 hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh rau, hoa tại làng hoa Vạn Thành, làng hoa Thái Phiên, làng hoa Xuân Thành; thành lập được 1 tổ hợp tác tại làng hoa Hà Đông.
Theo số liệu thống kê, lượng khách (khi chưa có dịch COVID-19) đến tham quan làng hoa đạt trên 20 ngàn lượt người, nổi trội một số làng hoa thu hút trên 50 ngàn lượt khách đến tham quan. Lao động làm việc trực tiếp tại làng hoa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đạt trên 35%.
Phát triển du lịch canh nông tại các làng hoa gắn với giữ gìn, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người trồng hoa, nghề trồng hoa Đà Lạt là định hướng đúng đắn của thành phố. Trong thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tại các làng hoa đã tạo nên nét độc đáo riêng, gây ấn tượng mạnh cho du khách.
Chị Nguyễn Thị Hà (du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Mình vốn rất yêu Đà Lạt, thích ngắm cảnh và thưởng ngoạn các điểm du lịch của thành phố. Mỗi năm đến đây, mình đều thấy Đà Lạt có sự đổi mới, nhất là điểm đến từ các làng hoa. Nhà mình ai cũng thích khi được đắm chìm trong không gian vườn hoa của người dân Đà Lạt thân thiện, mến khách. Mình mong nét bản sắc này của thành phố Đà Lạt tiếp tục được phát huy hơn nữa, nhất là thiết kế nhiều không gian hoa, triển lãm hoa, nhiều lễ hội Festival hoa khi dịch COVID-19 được khống chế tốt hơn, để du khách đến tham quan, thưởng lãm để lại nhiều kỷ niệm đẹp nơi đây.
Trao đổi về những định hướng lớn trong phát triển các làng hoa Đà Lạt, đồng chí Trần Duy Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 07 của Thành ủy về phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Phát triển làng hoa Hà Đông theo hướng giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống là làng hoa đầu tiên của thành phố. Các làng hoa còn lại phát triển theo quy hoạch để trở thành vùng sản xuất hoa công nghệ cao, quy mô lớn, ổn định về diện tích. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch canh nông, tạo thành điểm đến yêu thích của du khách khi đến với Đà Lạt. Trong đó, mục tiêu tăng giá trị thu hoạch bình quân đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ ha/năm. Nâng cao thu nhập từ dịch vụ du lịch cho bà con nông dân đạt từ 150 triệu đồng/người/năm. Tập trung phát triển các làng hoa gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đã được phê duyệt. Hợp tác sản xuất, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, hướng đến xây dựng một số mô hình cho du khách tham gia vào một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp như trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói hoa… nhằm tạo ra những trải nghiệm thú vị, ấn tượng mạnh mẽ với khách du lịch. Phát triển các sản phẩm hoa, rau, trái cây theo nhu cầu tham quan - thưởng lãm - mua sắm của du khách..., kết hợp với dịch vụ lưu trú - ẩm thực - mua sắm đặc sản Đà Lạt.