Phát triển các mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển các con nuôi hàng hóa được thị trường ưa chuộng, đáng chú là đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học để khai thác, tận dụng và phát huy điều kiện địa hình đồi núi cũng như thế mạnh về du lịch của tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc HTX dê Khánh Thành kiểm tra sức khỏe đàn dê trong thời tiết lạnh giá.

Anh Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc HTX dê Khánh Thành kiểm tra sức khỏe đàn dê trong thời tiết lạnh giá.

Là một trong những hộ đầu tư hệ thống chuồng kín để phát triển mô hình nuôi dê quy mô lớn với tổng đàn luôn duy trì hơn 100 con, chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết: Dê là con nuôi khá dễ tính, ít bệnh, ăn tạp, sinh sản nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc và có giá bán khá cao so với nhiều con nuôi khác, đặc biệt thị trường tiêu thụ ổn định nên việc mở rộng quy mô đàn nuôi luôn được gia đình chú trọng.

Chị Phượng cũng cho biết thêm: Để nâng cao giá trị kinh tế từ con dê, gia đình đã xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi từ nuôi, chế biến các món và cung cấp ra thị trường. Nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên, đảm bảo sạch. Do được nuôi theo hướng an toàn sinh học nên chất lượng thịt ngon, được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, gia đình đang làm tem truy xuất nguồn gốc, tạo sự minh bạch cho sản phẩm thịt dê của gia đình.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc HTX dê Khánh Thành cũng đã đầu tư phát triển chăn nuôi dê theo hướng an toàn sinh học. Trên diện tích 3 ha đất kém hiệu quả, HTX đã mạnh dạn thuê và chuyển đổi sang mô hình nuôi dê thảo dược. Hiện HTX thường xuyên duy trì số lượng đàn khoảng 300 con gồm dê thương phẩm và dê giống. Để đảm bảo đầu ra cho con dê cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Thiện đã lựa chọn phát triển đàn dê theo hướng chăn nuôi hữu cơ, sử dụng thức ăn là thảo dược.

Để thực hiện mục tiêu, anh Thiện đã đầu tư chuồng trại với quy mô hơn 600 m2. Hệ thống chuồng trại được thiết kế hiện đại, sàn nuôi cách mặt đất hơn 2m tạo độ thông thoáng cho dê phát triển. Cùng với xây dựng chuồng trại, anh Thiện cũng quy hoạch vùng trồng cỏ và dược liệu làm nguồn thức ăn cho dê.

Trên diện tích 2 ha, anh Thiện đã sưu tầm và phát triển nhiều loại thảo dược như hồng ngọc, sài đất, chè đại, keo dậu, so đũa, huyền sâm, bồ công anh… Một ngày, dê sẽ tiêu thụ khoảng 5-7 kg cỏ voi, cỏ sả và trộn các loại thảo dược vào thức ăn cho dê sao cho tỷ lệ này không vượt quá 20% thức ăn. Tùy từng giai đoạn hay tình trạng sức khỏe của dê, sẽ có những loại thảo dược khác nhau.

Dê nuôi được cho ăn bằng các loại thảo dược giúp tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, giúp cho chất lượng thịt thơm ngon, là nguồn thức ăn sạch cung cấp ra thị trường. Vì vậy con dê là con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao với HTX và các thành viên HTX.

Vùng trồng dược liệu làm thức ăn cho dê tại HTX dê thảo dược Khánh Thành.

Từ năm 2016, khi ngành Nông nghiệp triển khai chương trình cải tạo đàn dê địa phương theo hướng chuyên thịt, mô hình nuôi dê trong chuồng kín, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sử dụng thảo dược làm thức ăn ngày càng phát triển và nhân rộng. Với mục tiêu đưa dê trở thành con nuôi chủ lực, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo thống kê, hiện tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24.000 con. Trong quá trình nuôi, người dân luôn được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đồng hành, tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng quy mô, phát triển đàn dê bản địa có chất lượng.

Mặt khác, ở một số địa phương có tổng đàn dê lớn như huyện Hoa Lư, Nho Quan, thành phố Tam Điệp, các hộ đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác liên gia để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Trần Văn Luận, Trưởng phòng Kỹ thuật và chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn dê của địa phương thông qua việc chuyển giao các giống dê có ưu thế về thể vóc và chất lượng thịt để nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt dê trên thị trường, nhất là phục vụ khách du lịch.

Thông qua hệ thống khuyến nông thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê, phương pháp cải tạo đàn dê giúp bà con nắm được kiến thức và thực hiện tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Việc nâng cao số lượng đàn và chất lượng thịt dê không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi, mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ăn đặc sản của người dân và du khách, góp phần đưa du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển.

Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-cac-mo-hinh-nuoi-de-theo-huong-an-toan-sinh-hoc/d2022123010372803.htm