Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM: Nâng tầm khu vực, vươn tầm quốc tế
Thời gian qua, TPHCM đẩy mạnh chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH); xây dựng nền kinh tế - văn hóa có hàm lượng khoa học cao, tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo thích ứng với kỷ nguyên số.
Câu chuyện từ điện ảnh
Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành CNVH TPHCM đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển, đưa TPHCM trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực.
Giai đoạn 2026-2030, đề án đặt mục tiêu phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á.
Ngành công nghiệp điện ảnh trong lộ trình phát triển các ngành CNVH tại thành phố cũng được nhắm đến, để TPHCM làm hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Trên thực tế, TPHCM luôn đóng vai trò đầu tàu, là trung tâm điện ảnh của cả nước. Điểm nhấn quan trọng của điện ảnh TPHCM chính là dấu ấn của xã hội hóa, đặc biệt trong khoảng 2 thập niên trở lại đây. Thành quả là hiện TPHCM có rất nhiều hãng phim, cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời và hoạt động hiệu quả.
TPHCM cũng chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất cả nước với khoảng 40%, cao hơn tất cả các tỉnh thành khác cộng lại (trừ Hà Nội, chiếm 30%). Thành phố hiện chỉ còn 2 hãng phim nhà nước đã cổ phần hóa xong là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và Công ty TNHH MTV Phim Nguyễn Đình Chiểu, hơn 99% cơ sở điện ảnh khác là của các doanh nghiệp tư nhân, tạo ra việc làm cho hàng ngàn nhân lực.
Chiến lược quốc tế
Trong vòng 5 năm qua, nỗ lực phát triển các ngành CNVH tại TPHCM để lại nhiều dấu ấn, làm bước đà để thành phố vươn tầm trong lộ trình phát triển. Các chương trình nghệ thuật mang thương hiệu của TPHCM có thể kể đến như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế TPHCM (Hò dô); 2 mùa Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam; Lễ hội Âm nhạc GENfest (Cổng âm nhạc đa giác quan)…
Bên cạnh đó, nhiều chương trình âm nhạc lớn trong nước lẫn quốc tế cũng chọn TPHCM là điểm đến tổ chức, như: show vòng quanh thế giới The Wild Dreams của nhóm nhạc Westlife tại sân vận động Thống Nhất; show Inviolate World Tour của huyền thoại guitar Steve Vai tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (điểm dừng chân đầu tiên tại Đông Nam Á); BridgeFest 2023…
Có thể thấy, sự kiện âm nhạc quốc tế Hò dô 2023 đang ở một tầm cao mới cả về quy mô tổ chức lẫn chất lượng nghệ sĩ, các dịch vụ mang tính chất đặc trưng lễ hội. Đây là hành động quyết liệt, khẳng định cam kết của TPHCM trong việc kiên định theo đuổi chiến lược đầu tư phát triển ngành CNVH, xây dựng một địa chỉ, một điểm đến văn hóa mới và ghi tên Hò dô vào bản đồ âm nhạc thế giới.
PGS-TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM, nhận định: “TPHCM có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, CNVH, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với đó là chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển (trong đó có nguồn lực văn hóa) và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc”.
Để đánh giá sự phát triển của mỗi thành phố dựa trên nhiều yếu tố, chiến lược quốc tế cho các ngành CNVH ở TPHCM hay mục tiêu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO… là những yếu tố quan trọng cho thấy niềm tin văn hóa TPHCM sẽ vươn tầm, định vị văn hóa, bản sắc và con người thành phố với khu vực và thế giới.
* Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM:
Định danh ngành công nghiệp văn hóa của thành phố
CNVH dù ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác nhưng vì phù hợp với xu thế của thời đại nên có triển vọng lớn, có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả cao.
Việc đặt mục tiêu phát triển ngành CNVH trên địa bàn TPHCM không chỉ thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân mà còn xác lập thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố, tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.