Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Sáng 21-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (sau đây viết tắt là CT 30). Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, cùng đại diện lãnh đạo ngành văn hóa các địa phương trên toàn quốc; các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa...
Nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa
Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của CT 30, trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời báo cáo về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai, thực hiện tại CT 30 của Bộ VH-TT&DL và các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho hay, CT 30 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ VH-TT&DL mà còn của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một bước để chúng ta nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa cũng như thay đổi cách làm của ngành VH - TT &DL.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hội nghị triển khai CT30 được tổ chức vào thời điểm đặc biệt quan trọng khi Đảng, Nhà nước đang chuẩn bị các tài liệu, văn kiện Đại hội XIV của Đảng… Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đứng trước cơ hội, vận hội mới, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
"Hội nghị là dịp để các cơ quan chức năng vừa quán triệt CT30, vừa bàn sâu, và lắng nghe thêm về những vấn đề liên quan phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…, phù hợp xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam"- Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Được biết, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Thống kê sơ bộ, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng hơn 4% tổng GDP của quốc gia và dư địa phát triển còn rất lớn.
Đà Nẵng tận dụng lợi thế, phát triển công nghiệp văn hóa
TP Đà Nẵng xác định, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. "Đà Nẵng, từ năm 2015 trở lại đây đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa"- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế; các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, cũng như tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp đầy tiềm năng này, lãnh đạo thành phố đã giao Sở VH-TT nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa TP Đà Nẵng đến năm 2030.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới; Thảo luận các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Hôm nay (22-11), các đại biểu tham dự hội nghị sẽ khảo sát các mô hình và sản phẩm công nghiệp văn hóa tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.