Phát triển các ngành dịch vụ có ưu thế trong bối cảnh dịch Covid - 19

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã và đang phải tạm thời đóng cửa hay duy trì hoạt động cầm chừng thì ở một số ngành dịch vụ, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn nỗ lực tận dụng triệt để cơ hội cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh để phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã và đang phải tạm thời đóng cửa hay duy trì hoạt động cầm chừng thì ở một số ngành dịch vụ, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn nỗ lực tận dụng triệt để cơ hội cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh để phát triển.

Trong số đó phải kể đến lĩnh vực kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch; thương mại điện tử; bưu chính chuyển phát; viễn thông; tài chính - ngân hàng; bảo hiểm; thanh toán online; giáo dục trực tuyến; bán lẻ hàng hóa thiết yếu…

Ngành bán lẻ đạt mức tăng trưởng khá

Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh nhạy tận dụng triệt để cơ hội từ sự tác động của đại dịch Covid – 19 để cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh từ các mặt hàng truyền thống sang những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, khẩu trang, nước sát khuẩn tay, thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, tăng đề kháng, thiết bị y tế...

Sự thay đổi này không chỉ đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh, mà còn bảo đảm việc làm cho người lao động, cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp. Vì vậy, đây được xem là điểm sáng của ngành bán lẻ trong “bức tranh” kinh tế, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Hà Nam phát triển mạnh các dịch vụ bán lẻ để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh Covid -19.

Thực tế hoạt động của ngành bán lẻ thời gian qua đã cho thấy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bám sát tín hiệu thị trường để có những thay đổi phù hợp. Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và bán hàng trên website và các trang mạng xã hội để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân, các đơn vị bán lẻ còn thay đổi cơ cấu hàng hóa. Trong đó, giảm nhập bán đối với những hàng hóa phi thực phẩm và tăng cường dự trữ lên tới trên 40-45% các mặt hàng thiết yếu, kết hợp bán kèm các sản phẩm hỗ trợ phòng dịch (thuốc xịt khử trùng, thực phẩm tăng cường đề kháng, làm sạch không khí, khẩu trang...).

Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi (Lý Nhân) khẳng định: Nhìn một cách toàn diện thì dịch Covid-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các ngành nghề, trong đó có ngành bán lẻ tích lũy kinh nghiệm cho chặng đường dài phía trước. Trong hơn một năm qua, Siêu thị Lan Chi cơ bản bảo đảm mức doanh thu theo mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp. Một trong những giải pháp được Siêu thị Lan Chi áp dụng thành công là tăng tỷ lệ hàng hóa thiết yếu và các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch trong cơ cấu bán hàng. Trong đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao, như: gạo, thực phẩm tươi sống, rau, củ quả và các nhu yếu phẩm cần thiết (giấy vệ sinh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm, gội…).

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 13.008,3 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng cao với mức từ 6,3% đến 45,5%, nổi bật là văn phòng phẩm phục vụ lĩnh vực văn hóa, giáo dục; vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; ô tô con… Như vậy, trong nửa đầu năm 2021, so với các ngành hàng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bán lẻ là ngành có mức tăng trưởng cao.

Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, còn có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các địa phương và ngành chức năng trong hoạt động kết nối cung - cầu, cập nhật thông tin thị trường đối với các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong “mùa” dịch để có định hướng cho doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động. Kết quả đạt được cũng cho thấy, sự thích ứng của mỗi doanh nghiệp trước sự vận động không ngừng của xã hội là điều kiện tiên quyết để tồn tại, phát triển.

Quan tâm phát triển mạnh các ngành dịch vụ có ưu thế
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các kịch bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với đại dịch Covid-19. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong số đó, phát triển mạnh là các ngành nghề, loại hình dịch vụ có ưu thế, có cơ hội phát triển, như: sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; dịch vụ bưu chính chuyển phát, viễn thông, tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán online, giáo dục trực tuyến…

Viễn thông Hà Nam (VNPT Hà Nam) là một trong 8 doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh hiện nay. Để giữ vững vị trí đơn vị tốp đầu có tỷ lệ tăng trưởng cao của Tập đoàn VNPT, thời gian qua, VNPT Hà Nam tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh để thực hiện chuyển đổi số, đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đa dạng các dịch vụ viễn thông… Theo đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, VNPT Hà Nam còn đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ liên quan đến hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đô thị thông minh và chính quyền điện tử. Qua đó, phục vụ tốt nhu cầu các nhóm khách hàng khác nhau, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19.

Cụ thể, VNPT Hà Nam đã triển khai phần mềm VNPT – Office cho 100% các cơ quan hành chính và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng trục văn bản nội tỉnh kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai phần mềm VNPT-His cho hàng trăm cơ sở y tế và phần mềm quản lý hệ thống nhà thuốc trong toàn tỉnh. Cùng với đó, cung cấp các giải pháp về hóa đơn điện tử, dịch vụ VnEdu với gần 56.000 tài khoản sổ liên lạc điện tử để đưa công nghệ thông tin vào quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy và học. Đặc biệt, trong “mùa” dịch Covid – 19, VNPT Hà Nam đã triển khai tốt phần mềm dạy và học trực tuyến cho gần 200 trường học trên địa bàn tỉnh…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Anh Tuấn, Trưởng phòng Điều hành – Nghiệp vụ VNPT Hà Nam khẳng định: Mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ, bảo đảm an toàn, thông suốt mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và nhu cầu của người dân là nhiệm vụ trọng tâm của VNPT Hà Nam. Hiện, VNPT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm giải pháp công nghệ khác để chung tay cùng chính quyền tỉnh trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19.

Mặc dù dịch bệnh Covid – 19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng sự thay đổi để tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cho thấy tư duy nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời cũng là sự khẳng định bản lĩnh, năng lực quản trị để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của các doanh nghiệp. Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những điểm sáng của nền kinh tế này cần được phát huy hơn nữa để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đang rất cấp bách, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/phat-trien-cac-nganh-dich-vuaco-uu-the-trong-boi-canh-dich-covid-19-52314.html