Phát triển các vùng cây ăn quả tập trung theo VietGap

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Nam bộ hiện có trên 400.000ha cây ăn quả, cho sản lượng trên 4 triệu tấn/năm; giá trị xuất khẩu trái cây đạt bình quân mỗi năm 22 - 23 triệu USD.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều loại cây ăn quả đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap như cam sành, bưởi Năm Roi, thanh long Hoàng Hậu, bưởi Tân Triều, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc...

Từ những mô hình VietGap thành công…

Mấy năm qua, đã xuất hiện nhiều địa phương sản xuất cây ăn quả theo mô hình VietGap thành công ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đang triển khai chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cây bưởi năm roi ở huyện Bình Minh và có kế hoạch thực hiện chương trình này với cây nhãn và chôm chôm ở hai huyện Long Hồ và Trà Ôn.

Các loại cây này đang có thị trường xuất khẩu ổn định. Trong đó bưởi năm roi Bình Minh đã có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.

Sản xuất bưởi theo VietGAP làm giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học sử dụng. Do đó chi phí đầu tư vườn bưởi cũng giảm so với trước đây làm theo kinh nghiệm, mặt khác môi trường và sức khỏe của người lao động cũng được cải thiện theo hướng tốt hơn.

Còn ở Bến Tre, đầu ra cho trái bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP không còn là điều lo ngại đối với nhà vườn, vì sản phẩm của Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành sản xuất theo quy trình VietGAP được cơ sở Hương Miền Tây bao tiêu phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hương Miền Tây là đơn vị kinh doanh bưởi có quy mô lớn ở tỉnh Bến Tre, cũng đã được Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cùng với các hộ trồng bưởi ở Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành.

VietGAP là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Bưởi da xanh là giống bưởi ngon của Việt Nam, một đặc sản của tỉnh Bến Tre. Việc sản xuất bưởi đạt chứng nhận VietGAP tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận được trái cây an toàn, mở ra một hướng mới để đến các thị trường cao cấp trong và ngoài nước.

Trong hơn một năm qua, tỉnh Tiền Giang được sự quan tâm của Bộ NNPTNT và Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) thông qua Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) đã hỗ trợ Tỉnh áp dụng bộ kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP vào chuỗi sản xuất đối với hai đơn vị Xoài cát Hòa Lộc và Cam Sành Mỹ Lợi A-huyện Cái Bè với mục tiêu là cải thiện chất lượng, an toàn và khả năng tiêu thụ nông sản thực phẩm.

Cho đến thời điểm này, qua 3 lần phân tích chất lượng sản phẩm quả, nước sơ chế đều đạt các tiêu chuẩn VietGAP và sẽ tiến tới việc chứng nhận cho xoài, cam sành vào khoảng cuối năm 2011.

Nhân rộng mô hình ra toàn vùng

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Tìm giải pháp phát triển các vùng cây ăn quả tập trung theo VietGap” do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 24/5 tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (tỉnh Tiền Giang), việc sản xuất còn nhiều hạn chế như diện tích chuyên canh chưa cao, chất lượng không đồng đều, các mô hình an toàn sinh học chưa được mở rộng, khả năng cạnh tranh trên thị trường ngoài nước chưa cao.

Các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực tế trồng và sản xuất cây ăn quả của khu vực Nam bộ; trong đó đề cập đến công tác quy hoạch, trợ vốn chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn trồng cây ăn quả; duy trì và nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” để sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi cho việc phát triển vùng sản xuất tập trung theo VietGAP, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ và hiệu quả trong sản xuất cây ăn trái.

Theo qui hoạch, đến năm 2020, diện tích cây ăn trái Nam bộ đạt từ 418.000- 438.000 ha, sản lượng đạt hơn 5 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quả tươi vá các sản phẩm qua chế biến đạt 500 triệu USD/năm. Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương trong vùng cần nhân rộng mô hình liên kết như: Liên kết Gap Sông Tiền, mô hình VietGAP và Global GAP. Mỗi địa phương cần chọn từ 1-3 loại cây ăn quả chủ lực để nhân rộng tạo sản phẩm hàng hóa, gắn với thị trường có sức cạnh tranh cao.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), khu vực Nam bộ hiện có trên 400.000 ha cây ăn quả, cho sản lượng hơn 4 triệu tấn/năm (chiếm 52,6% diện tích và 57,41% về sản lượng so với cả nước). Trong đó, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp dẫn đầu diện tích cây ăn quả của cả khu vực. Đáng ghi nhận là có nhiều loại cây ăn quả được nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, EurepGAP có giá trị xuất khẩu như: Cam sành, bưởi Năm Roi, thanh long Hoàng Hậu, Bưởi Tân Triều, dứa, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc...

Công Trí

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/phat-trien-cac-vung-cay-an-qua-tap-trung-theo-vietgap/20115/84040.vgp