Phát triển các vùng trồng hoa chất lượng
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Động lực phát triển vùng sản xuất hàng hóa
(HNM) - Với hiệu quả kinh tế từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, các mô hình trồng hoa chất lượng của Hà Nội đang là xu hướng được nhiều nông dân lựa chọn. Những năm gần đây, người trồng hoa đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc nên chất lượng hoa cũng như hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt.
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) chuyển đổi từ trồng lúa và rau màu sang trồng hoa, ông Đỗ Huy Nghĩa, thôn 2 chia sẻ, ban đầu gia đình trồng các loại hoa trên diện tích 1ha, đến nay đã mở rộng thành 2,5ha, trong đó có gần 2ha trồng hoa ly. Ngày thường, giá hoa ly từ 15.000 đến 20.000 đồng/cành, thời điểm Tết Nguyên đán giá hoa 30.000-35.000 đồng/cành. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Nói về thực tế các mô hình trồng hoa trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Viết Cường cho hay, toàn xã hiện có hơn 50ha trồng hoa, trong đó chủ yếu là hoa ly, cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập khoảng 180 triệu đồng/sào/vụ.
Không riêng xã Tam Thuấn, nhiều địa phương đã chuyển đổi sang trồng hoa chất lượng cao với nhiều chủng loại khác nhau. Nhiều mô hình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trồng hoa trong nhà kính cho hiệu quả kinh tế gấp 10-15 lần so với trồng lúa và rau màu. Đơn cử như mô hình trồng hoa trong nhà kính hiện đại của Hợp tác xã Hoa cây cảnh Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ).
Hợp tác xã đang trồng 7ha hoa, trong đó có 1.000m2 nhà kính có hệ thống thông gió, tưới nước tự động, điều khiển nhiệt độ để sản xuất giống lan hồ điệp và 3.000m2 nhà lưới chuyên dụng trồng hoa ly và hoa đồng tiền; diện tích còn lại trồng các loại hoa loa kèn, cúc, hồng... Doanh thu sau mỗi vụ hoa của hợp tác xã đạt hơn 2 tỷ đồng…
Đánh giá về các mô hình trồng hoa của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) Hoàng Thị Hòa cho biết, toàn thành phố có khoảng 7.000ha trồng hoa, cây cảnh. Các mô hình đa phần sử dụng nguồn giống nhập khẩu, chất lượng hoa đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội vẫn còn rất nhỏ với hơn 110ha; tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha và có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Để nâng cao giá trị từ các mô hình trồng hoa, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha; tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phạm Văn Dụng ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), để xây dựng các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao người trồng hoa rất cần sự hỗ trợ về công nghệ cũng như nguồn vốn.
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, để phát triển các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HÐND ngày 5-12-2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019).
Theo đó, đối với trồng hoa, cây cảnh, thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, hình thành bền vững hệ thống sản xuất, cung ứng giống và vật tư cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh; đặc biệt có những chính sách thu hút doanh nghiệp cùng tham gia phát triển các mô hình trồng hoa chất lượng cao.