Phát triển cây ăn trái cần giải pháp bền vững

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào đúng thời điểm nhiều loại cây ăn trái các tỉnh phía Nam nói chung, Bình Phước nói riêng vào vụ thu hoạch. Các biện pháp giãn cách phòng dịch khiến thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả nông sản giảm sâu. Để giải quyết vấn đề này, ngoài phương án cấp bách tìm đầu ra cần những giải pháp phát triển lâu dài, bền vững cho nông sản, giúp người dân không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn cho những mùa vụ tiếp theo.

Vụ mùa nhiều “trái đắng”

Trái với cảnh thu mua sầm uất, rầm rộ mùa trước, năm nay nhiều nhà nông trồng xoài đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng bởi trái chín rụng đầy vườn nhưng không có nơi tiêu thụ, nhiều nông hộ phải mang đi cho hoặc để rụng bỏ.

Ông Lê Thành Thuận, ấp Tân Lập, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản cho biết: “Vụ mùa này, một số hộ trồng xoài bỏ vườn, không thu hoạch vì thị trường tiêu thụ khó khăn và có bán được thì giá cũng rẻ như cho”.

Những năm gần đây, người trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi vì giá bán luôn duy trì ở mức cao. Thế nhưng năm nay, giá dưa giảm sâu, hiện chỉ còn khoảng 20 ngàn đồng/kg tại vườn, tức chưa bằng 50% giá bán những năm trước. Chị Lê Thị Mỹ Ngân, ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nông sản tiêu thụ rất khó khăn, giá giảm trầm trọng. Với mức giá này, chúng tôi chỉ mong thu đủ bù chi phí sản xuất”.

Không chỉ các loại cây ăn trái thông thường mà sản phẩm trái cây trồng theo hướng sinh học, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đạt chuẩn VietGAP cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và giá giảm sâu.

Bà Phan Thị Thanh Tâm, ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho biết: “Sản phẩm nhãn da bò Thanh Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đạt chuẩn VietGAP. Những vụ mùa trước, chúng tôi tự tìm đầu ra cho sản phẩm và được thị trường đón nhận, nhưng năm nay rất khó khăn về giá cả và đầu ra cho sản phẩm”.

Hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây ăn trái. Trong ảnh: Người dân xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh thu hoạch nhãn tiêu da bò

Hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây ăn trái. Trong ảnh: Người dân xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh thu hoạch nhãn tiêu da bò

“Mọi năm ổi rất có giá, khoảng 20 ngàn đồng/kg ổi ruột đỏ, còn ổi ruột trắng từ 18-20 ngàn đồng/kg, nay giảm chỉ còn 9-10 ngàn đồng/kg. Nói chung, đầu ra cho nông sản rất bấp bênh và bà con chủ yếu tự tìm thị trường tiêu thụ” - ông Trần Văn Đang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Minh, huyện Chơn Thành thông tin thêm.

Cần giải pháp “dài hơi”

Toàn tỉnh hiện có 12.303 ha cây ăn trái. Tuy nhiên, nông dân chủ yếu trồng tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Vì vậy, doanh nghiệp không thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hàng ngàn nông hộ riêng lẻ.

Chị Chu Thị Mai ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành bày tỏ: “Ở đây, có hộ trồng 5.000m2 ổi, có hộ trồng 1 ha, nếu gom lại thì cũng rất nhiều. Chúng tôi mong muốn thành lập hợp tác xã (HTX) để hỗ trợ nông dân về cây giống, kỹ thuật và vốn giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đặc biệt, có sự liên kết, mọi người tập trung cùng làm, cùng tìm đầu ra, không lo giá cả cũng như nơi tiêu thụ”.

Sản phẩm dưa lưới đã từng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhưng cần có quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững

Sản phẩm dưa lưới đã từng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhưng cần có quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các khu, cụm công nghiệp chế biến sản phẩm cây ăn trái. Các địa phương dù đã thành lập được một số HTX cây ăn trái nhưng việc liên kết giữa các nông hộ với nhau chưa tốt, nên các HTX chưa đủ mạnh để ký hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, do phần lớn sản phẩm cây ăn trái của tỉnh xuất bán ở dạng thô, chưa có khả năng cung ứng số lượng lớn nên rất khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà vườn áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng trọt còn khiêm tốn. Chính vì vậy, giá cả và chất lượng sản phẩm cây ăn trái chưa có tính cạnh tranh trên thị trường.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Hiện nay, có nhiều HTX cây ăn trái trong tỉnh đã liên kết được đầu vào, còn đầu ra thì chưa ký được những hợp đồng lớn. Việc phát triển cây ăn trái còn manh mún, nhỏ lẻ, bởi vậy chưa có đủ sản lượng cũng như chất lượng đáp ứng yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản”.

Tỉnh đã có chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái, khi đó sẽ có sự đầu tư đồng bộ về hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. đồng thời hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm cây ăn trái và những dịch vụ đi kèm để đảm bảo tham gia xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, trên cơ sở điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến, tỉnh sẽ xác định quy mô cho từng loại cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

LÊ THỊ ÁNH TUYẾT , Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Dù có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp cho việc phát triển cây ăn trái, song cách thức tổ chức, phương thức sản xuất, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn những hạn chế. Vậy nên, để cây ăn trái phát triển bền vững theo kế hoạch chung của tỉnh, cần cả một lộ trình, sự điều phối chủ động, có phương pháp cho từng vùng sản xuất để ngành hàng cây ăn trái phát triển ổn định, đạt yêu cầu đề ra. Những giải pháp cho quy trình này cần phải được thực hiện trong thời gian sớm nhất, đồng bộ nhất từ các đơn vị liên quan.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127160/phat-trien-cay-an-trai-can-giai-phap-ben-vung