Phát triển cây ăn trái ở Bình Phước: Giàu tiềm năng, nhiều lợi thế

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm khá lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Bình Phước hội đủ điều kiện để phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 13.220 ha cây ăn trái với nhiều chủng loại khác nhau. Vài năm trở lại đây, có thể thấy rõ sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của trái cây Bình Phước khi diện tích không ngừng tăng lên, nhiều thương hiệu trái cây nổi tiếng của Bình Phước được hình thành và ngày càng được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng.

“Quả ngọt” từ nông nghiệp hữu cơ

Từng đa canh nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, anh Nguyễn Minh Hiếu, nông dân trẻ ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng quyết định cải tạo lại vườn; đồng thời thành lập nông trại Ecofarm Gia Bảo nhằm định dạng thương hiệu về lâu dài. Với nhiều chủng loại xe cắt cỏ, xe phun thuốc chuyên dụng, máy bay phun thuốc không người lái, hệ thống tưới hoàn toàn tự động, toàn bộ 18,5 ha cây ăn trái gồm 10 ha sầu riêng, hơn 8 ha bơ sáp, bưởi da xanh của nông trại đều áp dụng cơ giới hóa gắn với canh tác hữu cơ. Để có bước tiến xa hơn trong quá trình gia nhập thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, “hợp tác xã nông nghiệp số” đã được anh Hiếu cùng các nông trại khác trên địa bàn thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập xúc tiến thành lập. Theo anh Hiếu, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với canh tác hữu cơ bền vững có tính liên kết được các thành viên hợp tác xã kỳ vọng sẽ là nguồn lực quan trọng giúp nâng cao giá trị nông sản Bình Phước trong quá trình hội nhập.

Sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Bù Đốp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP

Sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Bù Đốp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP

Trồng bưởi da xanh trên vùng đất Phú Riềng từ năm 1996 với khởi điểm 2 ha, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ngày càng phát huy đã giúp ông Lầu Sy Nịp ở thôn 5, xã Long Bình mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây điều sang trồng bưởi da xanh. Đến nay, trang trại rộng 38 ha của gia đình ông đã có 25 ha bưởi da xanh, 8 ha sầu riêng, diện tích còn lại được trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. 15 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 30 tấn/ha đã được ông ký kết với doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre bao tiêu đầu ra. 2 năm trở lại đây, mặc dù giá bưởi có giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với giá 25 ngàn đồng/kg tại vườn như hiện nay, gia đình ông vẫn thu về chục tỷ đồng mỗi năm.

Hợp tác xã bưởi da xanh Hồng Nịp (do ông Lầu Sy Nịp làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã - PV) đang triển khai quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và dán nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm hướng đến những thị trường khó tính. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, số lượng, quy cách không đáp ứng yêu cầu là rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp đặt vấn đề xuất khẩu sản phẩm, từ đó dẫn đến việc sản phẩm trái cây của Bình Phước nhưng phải mang thương hiệu của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Ông Lầu Sy Nịp ở thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng

Măng cụt được biết đến là cây trồng có giá trị kinh tế cao được trồng từ nhiều năm nay ở Bình Phước. Mặc dù thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch dài, đòi hỏi cao về kỹ thuật chăm sóc nhưng đối với các nông hộ gắn bó với cây măng cụt, giá luôn ở mức cao, ổn định là yếu tố để nông dân yên tâm duy trì loại cây trồng này. Được đánh giá ngon, chất lượng, mẫu mã đẹp, nhiều năm trở lại đây, trái măng cụt Bình Phước luôn có giá ổn định ở mức 55 ngàn đồng/kg. Riêng 2 năm nay, giá giảm do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng theo các nông hộ, mức giá trung bình 40 ngàn đồng/kg như hiện nay vẫn đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người trồng. Cây măng cụt khá mẫn cảm với yếu tố thời tiết nhưng với việc chăm sóc, xử lý tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ, cây trồng lâu năm đạt năng suất khoảng 20 tấn trái/ha, vì vậy nông dân yên tâm gắn bó với loại cây này.

17 năm gắn bó với cây măng cụt, ông Đinh Văn Xanh ở thôn Nhơn Hòa 2, xã Long Giang, thị xã Phước Long chia sẻ, mặc dù lâu cho thu hoạch nhưng bù lại cây rất ít khi bị dịch bệnh, chi phí đầu tư chăm sóc không nhiều. Cùng với đó, khi tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ, sức khỏe cả người trồng và khách hàng được đảm bảo là điều ông yên tâm nhất khi chọn măng cụt để gắn bó lâu dài.

Chế biến sâu - tại sao không?

Phát triển mạnh hơn 10 năm trở lại đây nhưng trái cây Bình Phước đã được người tiêu dùng biết đến, có chỗ đứng trên thị trường cả trong và ngoài nước. Chị Võ Thị Đình Vân ở khu phố Phước Vĩnh, phường Phước Bình, TX. Phước Long cho hay: Khi sản phẩm trái cây mình làm ra đẹp về mẫu mã, chất lượng thơm, ngon thì không ngại đầu ra. Mặc dù mới trồng bơ sáp xen mãng cầu (na) Thái Lan chỉ vài năm nay nhưng với thị phần ngày càng mở rộng, đây là điều kiện thuận lợi để gia đình mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Phạm Kim Trọng (bìa trái), Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh thăm Hợp tác xã bưởi da xanh Đa Kia, huyện Bù Gia Mập - Ảnh: Trung Quang

Mặc dù có lợi thế rất lớn nhưng cây ăn trái Bình Phước hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu, sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian nên khả năng gia nhập thị trường còn thấp. Số lượng một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nên phải mang thương hiệu địa phương khác.

Để trái cây Bình Phước phát triển bền vững lâu dài, bên cạnh các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tăng cường kiểm soát về nguồn giống; tuyên truyền, định hướng canh tác sạch, an toàn ngay từ đầu, tiến tới cấp mã số vùng trồng, dán nhãn hàng hóa phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các trang trại, hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và có sản phẩm đạt chuẩn tham gia sàn thương mại điện tử.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chuyển biến rõ nét nhất của người trồng cây ăn trái ở Bình Phước những năm gần đây là quá trình sản xuất đã tuân thủ quy trình canh tác sạch, an toàn, hướng tới hữu cơ bền vững. Ngày càng có nhiều hợp tác xã trồng cây ăn trái được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho thấy đây là hướng đi đúng, phù hợp để có thể đáp ứng những yêu cầu bắt buộc của thị trường giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để có những vùng chuyên canh lớn, các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong công tác quy hoạch, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, người trồng cây ăn trái Bình Phước rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp chế biến sâu, đầu tư công nghệ cho khâu bảo quản sau thu hoạch. Đây là những yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển lâu dài và bền vững cho trái cây Bình Phước.

Trần Cảnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/133695/phat-trien-cay-an-trai-o-binh-phuoc-giau-tiem-nang-nhieu-loi-the