Phát triển cây dược liệu gắn với sản phẩm OCOP

Trước tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu, mở ra tín hiệu mới sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đồng bào Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa) thu hoạch, sơ chế lá tía tô để chế biến các sản phẩm thảo dược. Ảnh: Lê Thanh Cường

Đồng bào Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa) thu hoạch, sơ chế lá tía tô để chế biến các sản phẩm thảo dược. Ảnh: Lê Thanh Cường

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất dược liệu, đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh. Cây dược liệu được chú trọng phát triển thành cây trồng mũi nhọn, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hình thành liên kết sản xuất bền vững.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 3.550ha cây dược liệu chính, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và thị xã Sa Pa; bao gồm nhóm cây dược liệu hằng năm (actiso, cát cánh, đương quy, chùa dù, xuyên khung, sả, gừng...) và nhóm cây dược liệu lâu năm (quế, hồi, sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hà thủ ô, màng tang...). Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã có 210ha cây dược liệu (13 loại cây) được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”.

Là một trong những vùng nguyên liệu lớn của tỉnh, thị xã Sa Pa đã phát triển và duy trì 220ha cây dược liệu (gồm actiso, chùa dù, chè dây, đương quy, tía tô) cùng các loại cây dược liệu dùng để chế biến sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ, với giá trị sản xuất dược liệu đạt hơn 150 triệu đồng/ha.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Traphaco Sa Pa cho biết: Hiện tại, công ty đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn thị xã Sa Pa thực hiện phát triển vùng nguyên liệu hơn 100ha, phục vụ chế biến theo quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Traphaco Sa Pa đang hướng tới phát triển mô hình kinh tế dược liệu gắn với trải nghiệm du lịch thảo dược (trải nghiệm thu hái, chế biến dược liệu, thưởng thức các món ăn chế biến từ dược liệu); liên kết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mô hình kinh doanh sản phẩm dược liệu bản địa kết hợp du lịch cộng đồng.

Tại Bắc Hà, những năm qua, bên cạnh các thế mạnh về nông sản bản địa, cây ăn quả ôn đới, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã năng động trong hợp tác, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc trồng trọt, chế biến và tiêu thụ dược liệu, hình thành vùng trồng dược liệu bền vững. Với khí hậu, điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Bắc Hà đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trồng thử nghiệm được hàng chục loại cây dược liệu. Từ thành công trong việc trồng thử nghiệm, năm 2021-2022, huyện Bắc Hà tiếp tục triển khai trồng 70ha cây dược liệu, gồm actiso, đương quy, cát cánh...

Để có đầu ra ổn định và phát triển diện tích cây dược liệu bền vững, mới đây, chính quyền huyện Bắc Hà đã ký kết biên bản ghi nhớ với 3 công ty dược liệu gồm: Nam Dược, Nam Hà và Traphaco về việc hợp tác trồng trọt, chế biến và tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn huyện Bắc Hà. Thông qua đó, giúp các doanh nghiệp đảm bảo được nhu cầu nguồn nguyên liệu sạch, uy tín, chất lượng, có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; giúp người dân vùng trồng dược liệu yên tâm phát triển cây dược liệu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cao cho người dân, giúp hình thành chỉ dẫn địa lý, thương hiệu dược liệu Bắc Hà.

Mô hình trồng cây cát cánh ở vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Lê Thanh Cường

Mô hình trồng cây cát cánh ở vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Lê Thanh Cường

Trong tháng 7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dược liệu với Tổng công ty BMV Phacmar; huyện Bắc Hà ký liên kết sản xuất dược liệu với Công ty Cổ phần Đầu tư Green Life và Công ty Cổ phần Vật tư y tế Khải Hà...

Tuy nhiên, để hình thành vùng nguyên liệu tập trung đạt chất lượng cao và phát triển bền vững ngành dược liệu, tỉnh Lào Cai đã xác định rõ nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đó là, chủ động xây dựng các cơ sở ươm, nhân giống cây dược liệu tại hai huyện Bát Xát, Bắc Hà và thị xã Sa Pa; đầu tư cơ sở vật chất, khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng công nghệ cao...) đảm bảo nhân giống các loại cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, nguồn giống chất lượng và chi phí hợp lý.

Lào Cai xác định vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực tập trung tại các địa bàn trọng điểm: Bắc Hà, Bát Xát và Sa Pa. Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới cây dược liệu hằng năm. Kết nối, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các vùng sản xuất dược liệu hàng hóa tập trung, liền vùng, liền khoảnh như Y Tý (Bát Xát), Tả Van Chư (Bắc Hà), Tả Phìn (Sa Pa)... phát triển sản phẩm OCOP (thuốc tắm, gối thảo dược, thực phẩm chức năng) tại các điểm du lịch.

Cùng với đó, Lào Cai tiếp tục thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu, tạo ra các sản phẩm OCOP, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực cho tỉnh phát triển trở thành vùng trọng điểm về cây dược liệu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP gắn với cây dược liệu...

Mới đây, tại hội thảo về phát triển dược liệu do tỉnh Lào Cai tổ chức đầu tháng 7/2023, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã khẳng định, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương nghiêm túc đánh giá, chỉ ra khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu; tìm giải pháp đồng bộ để phát triển dược liệu bền vững gắn với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân từ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/6/2023, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Quyết định 1605/QQĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cũng xác định rõ việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm có lợi thế gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Tin rằng, với những định hướng mục tiêu rõ ràng, động thái tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất dược liệu, sự đồng thuận của người dân, ngành sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ phát triển theo hướng bền vững.

Lê Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-cay-duoc-lieu-gan-voi-san-pham-ocop-post464377.html