Phát triển cây dược liệu ở huyện Bắc Hà

Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị kinh tế đem lại, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, giúp người dân tìm hướng đi mới, giải quyết việc làm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, với đặc thù đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên khí hậu, huyện Bắc Hà đã phát triển các loại dược liệu có nguồn gốc ôn đới. Cây dược liệu của huyện phát triển dưới 2 hình thức là nhóm cây dược liệu trồng lâu năm dưới tán rừng, khai thác từ tự nhiên (sa nhân, thảo quả, giảo cổ lam, chè dây, hoàng tinh, nhân trần, tam thất hoang, các loại cây thuốc tắm, thuốc hỗ trợ điều trị xương khớp...) và nhóm cây dược liệu hằng năm (cát cánh, đương quy, atiso, đan sâm, đẳng sâm...). Trong đó, nhóm cây dược liệu lâu năm, dược liệu dưới tán rừng chủ yếu tự thu hoạch và chế biến thô thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhóm cây dược liệu hằng năm được trồng phục vụ sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, khi có Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cây dược liệu được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, của huyện và diện tích, sản lượng đều tăng qua các năm, góp phần tạo nguồn thu ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người dân các xã trong vùng sản xuất.

Trồng cây cát cánh ở Bắc Hà cho thu nhập cao.

Trồng cây cát cánh ở Bắc Hà cho thu nhập cao.

Trong năm 2022, cùng với hỗ trợ về vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân các xã trong vùng sản xuất dược liệu của huyện Bắc Hà đã tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu, với tổng diện tích 163 ha, tăng 93 ha so với năm 2021. Các loại cây dược liệu trồng chủ yếu là cát cánh, đương quy, atiso, mạch môn. Theo kế hoạch năm 2023, huyện Bắc Hà trồng 258 ha cây dược liệu, trong đó có 168 ha cát cánh, 55 ha mạch môn, 20 ha đương quy, 5 ha atiso, 10 cây dược liệu khác (đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, bạch truật…).

Tại xã vùng cao Tả Van Chư hiện có 175 hộ dân tộc Mông tham gia trồng cây dược liệu (cát cánh) với tổng diện tích hơn 64 ha. Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết, với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, xã chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh và huyện, bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Đó là đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác. Từ thành công trong việc đưa cây dược liệu vào trồng trên diện tích đất cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả, năm 2023, xã Tả Van Chư tiếp tục trồng 92 ha cây dược liệu, trong đó có 80 ha cát cánh, còn lại là đương quy và mạch môn.

Việc phát triển cây dược liệu ở huyện Bắc Hà cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng nông nghiệp khác trên cùng 1 ha đất canh tác. Như trồng cây cát cánh, bình quân lãi hơn 157 triệu đồng/ha. Điều đáng nói là có nhiều hộ người dân tộc thiểu số nhờ trồng cây dược liệu đã có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững và hướng tới làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Để đầu ra ổn định, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã liên kết mở rộng diện tích trồng và tiêu thụ cây dược liệu. Hiện nay, cây atiso do Hợp tác xã nông nghiệp Na Hối hợp đồng sản xuất trực tiếp với các hộ và Công ty THHH MTV TraphacoSapa tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Cây cát cánh được trồng, bán theo hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện với các công ty như Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH MTV Dược liệu xanh Nam Hà, Công ty Cổ phần ANVY, Công ty TNHH Thuốc nam Nguyễn Kiều...

Chia sẻ về định hướng phát triển cây dược liệu của huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện rất lớn, vì vậy cùng với giữ mối liên hệ chặt chẽ với các công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng kinh tế bao tiêu sản phẩm dược liệu giai đoạn 2019 - 2025 thì cần mời gọi thêm các doanh nghiệp có tiềm năng, uy tín để liên kết sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, cần đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu mới và hằng năm tổ chức đánh giá độ phù hợp, hiệu quả kinh tế nhằm nhân rộng, tăng cơ cấu cây trồng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Lồng ghép các chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến. Tạo niềm tin để người dân yên tâm sản xuất, tạo sự liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm để kết nối thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365018-phat-trien-cay-duoc-lieu-o-huyen-bac-ha