Phát triển cây luồng và làm du lịch sinh thái ở xã vùng cao Phú Nghiêm
Ngoài tiềm năng, lợi thế từ vùng luồng nguyên liệu lớn cho giá trị thu nhập cao, góp phần xóa nghèo, thì tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hồ Vinh Quang đã và đang là hướng đi mở cần sớm được đầu tư, phát triển ở xã vùng cao Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa.
Du khách khi đến với du lịch sinh thái hồ Vinh Quang không thể bỏ qua sản phẩm măng chua Piềng Cú.
Từ tiềm năng, lợi thế của cây luồng
Cây luồng từ nhiều năm qua đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng ở xã Phú Nghiêm nói riêng, huyện Quan Hóa nói chung. Đây được xem là cây “xóa nghèo” của Nhân dân các dân tộc. Dọc theo con đường lớn dẫn vào trung tâm xã là bạt ngàn những đồi luồng xanh mướt với nhiều nhà xưởng chế biến lâm sản từ luồng mọc lên.
Gia đình bà Hà Thị Khiêm ở bản Poọng Ka Me là một trong hàng trăm hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây luồng. Nếu như năm 2011 gia đình bà Khiêm mới có 7 ha trồng luồng thì nay đã nâng lên 11ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bà Khiêm cho biết, phát triển cây luồng đem lại nhiều giá trị về kinh tế cho bà con bản Poọng. Không những góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đem lại bầu không khí trong lành, mà cây luồng từ nhiều năm qua còn là cây thoát nghèo của bà con.
Cây luồng đã và đang được xem là cây “xóa nghèo” ở địa phương.
Hộ gia đình ông Hoàng Cao Lương với hơn 30 ha luồng cho biết: Cây luồng phát triển nhanh, chỉ trồng 5 - 6 năm là cho thu hoạch.
Ông Lương chia sẻ: Nếu luồng được giá, các thương lái, doanh nghiệp cho xe đến thu mua tại chân đồi của mình cũng được giá 800 nghìn đồng/tấn; thậm chí nếu người dân vận chuyển nhập tại xưởng thì giá có thể lên tới 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tấn.
Đến tiềm năng du lịch sinh thái hồ Vinh Quang
Phú Nghiêm có suối Luông và suối Háng chảy qua. Đây là suối lớn, được ngăn thành hồ Vinh Quang. Ngoài giá trị cung cấp nước tưới, hồ Vinh Quang còn mang nhiều tiềm năng chờ khai phá.
Một góc hồ sinh thái Vinh Quang với cảnh quan kỳ vĩ.
Đây là hồ tự nhiên thuộc địa phận bản Vinh Quang, xã Phú Nghiêm. Tại đây du khách có thể đắm mình trong không gian sơn thủy hữu tình, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Cùng với đó có thể chèo thuyền, câu cá. Đến đây du khách còn được thưởng thức hương vị thơm ngon của món gà nướng và canh cá lăng, đặc sản măng chua Piềng Cú. Sản phẩm măng ở đây đang trình UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm cho biết: Từ những năm 2000 huyện Quan Hóa đã chú trọng đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích người dân trồng luồng. Đến nay các xã trên địa bàn huyện hầu như đều đã xây dựng được vùng luồng hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng được xem là hướng đi đúng của địa phương (góc bản nông thôn mới xã Phú Nghiêm)
Cũng theo ông Trọng, việc phát triển vùng nguyên liệu luồng gắn với tiêu thụ, chế biến được xem là bước đi đúng hướng, hiệu quả. Trên địa bàn có khoảng 10 loại sản phẩm được chế biến từ cây luồng, như: Đũa tách, than tre luồng, nấm bào, bột giấy, nan ván sàn, tăm mành... Đây là những sản phẩm có thị trường rộng, ổn định.
Còn bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm thì nhận định: Hướng đi, hướng đầu tư của xã cũng như huyện là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng từ lợi thế hồ Vinh Quang. Xã cũng đang tập trung hoàn thiện để trình tỉnh công nhận sản phẩm măng chua Piềng Cú là sản phẩm OCOP.