Phát triển chăn nuôi gia súc tập trung
Xác định chăn nuôi là một trong những hướng đi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, một số địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Từ đó hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Trước đây, việc nuôi ngựa của người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ chỉ đơn thuần để thồ hàng hóa, nông sản. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nuôi ngựa thương phẩm, ngựa sinh sản đã trở thành hướng chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình. Thay vì nuôi ngựa thồ hàng như những năm trước đây, anh Hồ Chính Hủi, bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) đã tận dụng đồi nương cũ làm bãi chăn thả. Anh Hủi đã đầu tư kinh phí mua dây thép gai, quây rào chắn tạo thành vùng chăn nuôi ngựa tập trung. Cho đến nay, gia đình anh Hủi có khoảng 20 con ngựa và hàng chục con trâu. Mô hình mới những bước đầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình cũng như người dân địa phương.
Nậm Pồ có điều kiện thuận lợi về diện tích đồi cỏ tự nhiên lớn, có thể tạo vùng chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, toàn huyện có hơn 300ha trồng cỏ voi nên chính quyền địa phương đang duy trì và phát triển hơn 200 mô hình nuôi trâu, 54 mô hình nuôi bò, 22 mô hình nuôi lợn và một số mô hình nuôi ngựa... Để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thay đổi tập quán chăn thả, đẩy mạnh phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, chăn nuôi tập trung, huyện Nậm Pồ đã tập trung ưu tiên các nguồn vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư mua con giống, chú trọng việc thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ về con giống để tạo điều kiện cho bà con nhân dân phát triển kinh tế gia đình.
Đàn bò béo tốt, khỏe mạnh này là của gia đình ông Sừng Sừng Khai, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Trước đây, nhận thấy tiềm năng của những đồi núi thấp ở khu vực ngã ba biên giới, ông Khai đã tận dụng làm bãi chăn thả trâu, bò. Với diện tích chăn thả rộng, điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm nên việc chăn nuôi của gia đình ông khá thuận lợi. Ban đầu chỉ với 10 con trâu, bò giống nhưng đến nay, ông Khai đã gây dựng thành trang trại chăn nuôi với quy mô trên 100 con bò. Việc chăn nuôi tập trung đã giúp đàn gia súc được theo dõi, chăm sóc, tiêm phòng theo đúng định kỳ; vì vậy mỗi năm đàn bò lại sinh sản thêm khoảng 40 con. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi gia súc tập trung, ông Khai còn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi cho bà con và vận động nhiều gia đình trên địa bàn chăn nuôi trâu, bò theo hướng tập trung, phát triển trở thành hàng hóa chất lượng cao.
Với chủ trương, định hướng và giải pháp cụ thể, huyện Mường Nhé phấn đầu đến năm 2025 xây dựng từ 1-3 dự án “lõi” do doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt tập trung gắn với chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế. Xây dựng mỗi xã có từ 01 mô hình nuôi nhốt tập trung trở lên; phát triển 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi/hợp tác xã. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất nông nghiệp; trong đó tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm trên 40% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có diện tích tự nhiên rộng, nhiều bãi chăn thả thuận lợi, song chủ yếu vẫn là chăn nuôi theo phương thức chăn thả nhỏ lẻ, phân tán chưa hình thành các điểm nuôi tập trung và các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc ô nhiễm môi trường còn diễn ra khá phổ biến và dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì lẽ đó, để phát triển đàn gia súc theo hình thức chuyển dần từ chăn thả nhỏ lẻ sang chăn nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Đồng thời ưu tiên, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi gia súc thương phẩm theo hình thức tập trung. Có như vậy mới từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi quy mô đem lại năng suất, chất lượng cao gắn với chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế; từ đó tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người chăn nuôi theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững.