Phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững

Việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (ATDBĐV) có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi, tham gia tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay, đồng thời mở ra hướng mới trong phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm. Cơ sở ATDBĐV sẽ góp phần hạn chế các bệnh dịch, giảm chi phí thú y, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Cùng với đó, xây dựng cơ sở ATDBĐV cũng góp phần giảm chi phí cho công tác phòng, chống dịch hay tiêu hủy đàn vật nuôi mắc bệnh.

Thực hiện đầy đủ các quy định trong xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giúp các hộ chăn nuôi theo hệ thống của tập đoàn Mavin thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.

Là một trong những trang trại, cơ sở chăn nuôi tham gia thực hiện xây dựng cơ sở ATDBĐV sớm, ông Vũ Văn Lựu ở xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập khẳng định: Khi tham gia vào chương trình xây dựng cơ sở ATDBĐV, chúng tôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi. Vì vậy, năm 2019 dù dịch tả lợn Châu Phi hoành hành nhưng trang trại của gia đình tôi không hề bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất, khi được công nhận cơ sở ATDBĐV, việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều, kể cả khi trong vùng có dịch bệnh do đã đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.Thành lập trang trại nuôi gà hơn chục năm nay, sau đó thành lập HTX được gần năm năm, ông Phạm Quốc Tuân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Phú, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn trải qua nhiều thăng trầm trong sản xuất kinh doanh gà lông màu. Ông Tuân chia sẻ: Trải qua nhiều năm chăn nuôi, dù đã có kinh nghiệm nhưng vẫn có những năm HTX bị thiệt hại nặng do gà mắc bệnh hàng loạt, thành viên HTX chưa có kinh nghiệm điều trị. Chúng tôi cũng biết khi thực hiện cơ sở ATDBĐV sẽ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, điều trị, phòng bệnh cho gia cầm và nhiều lợi ích khác nữa nhưng vẫn còn đắn đo do chi phí hiện khá cao.

Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là cơ sở chăn nuôi hoặc một xã, một phường, thị trấn được xác định không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y tại cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

Các cơ sở, trang trại chăn nuôi khi thực hiện xây dựng cơ sở ATDB sẽ có rất nhiều lợi ích trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo quy định tại Thông tư 14/2016 của Bộ NN & PTNT, các cơ sở chăn nuôi khi xây dựng cơ sở ATDBĐV được lấy mẫu giám sát dịch bệnh định kỳ 1 lần/năm để kiểm soát, phát hiện kháng thể bệnh cúm gia cầm, Newcastle đối với gia cầm; lở mồm long móng và dịch tả lợn đối với lợn. Khi được cấp giấy chứng nhận ATDBĐV, các cơ sở chăn nuôi được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đối với vùng, cơ sở ATDBĐV trên cạn thì được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong trường hợp vùng đó có dịch bệnh xảy ra…Tuy nhiên, hiện nay, số lượng trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tham gia vào chương trình xây dựng cơ sở ATDBĐV còn rất ít (chiếm khoảng 5,2% tổng số cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Vẫn còn những vấn đề đang tồn tại, cần sớm khắc phục để phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định.Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 1.315 trang trại chăn nuôi; tổng đàn trâu, bò đạt gần 162 nghìn con; tổng đàn lợn trên 684,5 nghìn con; tổng đàn gia cầm trên 16,1 triệu con; tổng sản lượng thịt hơi các loại hơn 189 nghìn tấn. Phú Thọ là tỉnh có nền chăn nuôi phát triển mạnh, đứng thứ 3 khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tuy có số lượng trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 25 cơ sở được cấp chứng nhận cơ sở ATDBĐV, trong đó toàn bộ là động vật trên cạn, chưa có trang trại, cơ sở nuôi thủy sản nào tham gia xây dựng cơ sở ATDBĐV. Các cơ sở này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp hoặc trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công với quy mô lớn. Đặc biệt, nhiều cơ sở chăn nuôi sau khi giấy chứng nhận cơ sở ATDBĐV hết thời hạn không tiếp tục gia hạn khiến cho việc phòng, chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng.Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có vắc-xin tiêm phòng gây khó khăn cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Hình thức chăn nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, phân tán, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, khó áp dụng các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chưa thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất-chế biến công nghiệp, chế biến công nghệ cao…Ông Nguyễn Tất Thành-Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định: Hiện nay, vẫn còn khá nhiều chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi nhận thức chưa đầy đủ về những lợi ích khi tham gia thực hiện xây dựng cơ sở ATDBĐV. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với các chủ cơ sở, trang trại chăn nuôi hoàn thành mục tiêu có trên 50% các cơ sở, trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở ATDBĐV, tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi ATDBĐV cấp xã, huyện. Đồng thời, nghiên cứu có chế tài, quy định để có đủ điều kiện chăn nuôi, các hộ, trang trại bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở ATDBĐV mới được phép hoạt động. Tiếp tục thực hiện việc giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.Nhằm để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở ATDBĐV, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản; tính toán giảm bớt chi phí duy trì hàng năm; hỗ trợ trong việc xử lý môi trường, chất thải, nước thải chăn nuôi…Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDBĐV là xu hướng tất yếu bởi nó vừa kiểm soát được dịch bệnh, phân vùng chăn nuôi vừa tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đặc biệt trong xuất khẩu. Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, thực hiện tốt bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi để việc xây dựng cơ sở ATDBĐV, vùng ATDBĐV được thuận lợi.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phat-trien-chan-nuoi-hien-dai-ben-vung/184598.htm