Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản: Hướng đi bền vững của nông nghiệp
Từ nhận thức về vai trò quan trọng của chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông, thủy sản trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân phát triển liên kết chuỗi. Đến nay, toàn ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: lúa, gạo, ngao, tôm, ốc hương, cá, muối...
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết giá trị. Trong số 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm toàn ngành Nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được, có 15 chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến thủy sản; 14 chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến các sản phẩm trồng trọt; 3 chuỗi sản xuất, chế biến các loại muối; 10 chuỗi sản xuất, chế biến các sản phẩm chăn nuôi.
Tiên phong trong việc thúc đẩy hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến nông, thủy sản là Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định. Đồng chí Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cho biết: Hiệp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên mở rộng hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đối tác và ký kết hợp đồng bao tiêu nông, thủy sản cho nông dân các địa phương. Phối hợp với các cơ quan tư vấn chứng nhận, các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT đào tạo cho chủ cơ sở và người lao động của doanh nghiệp hội viên kiến thức thực hành quy phạm sản xuất tốt GMP, Quy phạm vệ sinh chuẩn SSOP, Quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời tổ chức các hội nghị tập huấn cập nhật kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; tổ chức khóa đào tạo về kiến thức chuyên sâu nghiệp vụ kỹ năng bán hàng, nghệ thuật đàm phán và thương lượng, quản trị maketing, xây dựng thương hiệu mạnh, nghệ thuật ứng xử xã hội, kiểm soát chất lượng hàng hóa cho doanh nghiệp và người lao động tại các cửa hàng tiện ích trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phát động, hỗ trợ các hội viên phát triển các cửa hàng tiện ích để kinh doanh các sản phẩm của các hội viên. Đến nay đã phát triển được hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, có thương hiệu, uy tín như chuỗi 7 cửa hàng thực phẩm sạch của Công ty Cổ phần Hiệp hội Nông nghiệp sạch; hệ thống 5 cửa hàng Minmart của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương; cửa hàng nông sản của trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh)... Hoạt động kết nối xúc tiến thương mại của Hiệp hội đã lan tỏa đến một số tập đoàn, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh khác của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Qua đó, giúp các doanh nghiệp của tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp cung cấp rau thịt, thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội; một số nông sản chủ lực của Nam Định đã được phân phối và tiêu thụ ở hầu hết các siêu thị lớn như Co.opMart, BigC, Go!; một số nông sản có thế mạnh đã xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường châu Âu, muối sang thị trường Nhật Bản, nông sản sấy sang Bắc Kinh, lợn sữa sang Hồng Kông (Trung Quốc)...
Từ việc phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết là đã từng bước hình thành, tạo dựng vùng nguyên liệu tập trung ổn định cho các nhà máy chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho các bên tham gia chuỗi liên kết, giúp gắn kết, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, nguồn thu nhập cho người sản xuất và giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân có quy mô trên 1.000ha tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn của Công ty TNHH Công Danh, chuỗi liên kết thủy hải sản khai thác Thành Vui, Hùng Vương, Quý Thịnh…
Sự liên kết còn giúp giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, bỏ ruộng hoang, tăng sản lượng và chất lượng các loại nông, thủy sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Ngoài việc xây dựng các chuỗi liên kết dọc, một số doanh nghiệp còn chủ động liên kết, hợp tác phát triển sản xuất tạo nên các chuỗi liên kết ngang cùng nhau phát triển thị trường, mở rộng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản an toàn là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm nông sản của các địa phương. Tuy nhiên, hiện việc triển khai còn gặp không ít thách thức do thói quen sản xuất truyền thống và thiếu sự liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, hộ dân.
Với sự định hướng, hỗ trợ của các sở: NN và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp “đầu mối” của các chuỗi liên kết đã tích cực áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến HACCP, Quy phạm sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, phát triển các sản phẩm OCOP. Anh Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Dương cho biết: Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, công ty đã xây dựng và duy trì áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP, VietGAP, ISO… Nhờ đó, chất lượng các sản phẩm chế biến hàng nông sản (ngô, khoai, sắn, lạc, sen, đậu, đỗ, bí, chè...); chế biến hoa quả sấy (mít, dứa, chuối...) của Công ty luôn được bảo đảm, được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao…
Tính đến tháng 12/2024 đã có 32/40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX (chiếm 80%) của 42 chuỗi liên kết giá trị trên địa bàn tỉnh xây dựng và duy trì áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến theo tiêu chuẩn. Trong đó có 21/40 cơ sở đã áp dụng tiêu chuẩn HACCP, CFS, ISO; 11/40 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, 1 vùng nuôi ngao liên kết của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam quy mô 500ha tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được cấp chứng nhận vùng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Ngoài việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn, các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi liên kết còn quan tâm khai thác phát triển sản phẩm theo hướng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay đã có hàng trăm sản phẩm của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của các chuỗi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao.
Việc duy trì, thúc đẩy mở rộng và phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.