Phát triển công dân số để hình thành xã hội số
Công dân số là thành tố quan trọng để hình thành và phát triển xã hội số trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Tại Sơn La, công dân số đang từng bước phát triển theo định hướng toàn diện, khắc phục những khó khăn đặc thù về điều kiện của tỉnh miền núi để người dân làm chủ được công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời đại xã hội số.
Công dân số là những người có thể sử dụng được công nghệ thông tin thông minh vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1 triệu công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, hơn 500.000 tài khoản VnelD đã được kích hoạt. Hạ tầng viễn thông được đầu tư, tạo môi trường để phát triển công dân số, với 100% số xã, 98,5% số bản có hạ tầng băng rộng cáp quang, phổ cập mạng thông tin di động 4G; tỷ lệ thuê bao di động có điện thoại thông minh đạt gần 60%; tỷ lệ người sử dụng internet toàn tỉnh là 46,34%. Đây là những điều kiện cơ bản giúp người dân tiếp cận với công nghệ thông tin, các ứng dụng từ công nghệ và có thể hoạt động nhiều lĩnh vực trên môi trường mạng.
Công nghệ, mạng internet và sự kết nối đã và đang tạo nên sự thay đổi căn bản trong mọi mặt của đời sống. Ông Hoàng Văn Chính, 76 tuổi, phường Chiềng Cơi, Thành phố, nói: Cuộc sống hiện nay so với cách đây 10-20 năm có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và ở tại nhà cũng có thể giải quyết một số thủ tục hành chính, đăng ký quyền sử dụng đất, hay mua bán, thanh toán viện phí, học phí, liên lạc đều qua mạng internet, rất thuận lợi và tiện ích.
Môi trường số còn được phát triển ở nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ công cho đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi cả về thói quen, hành vi của mỗi công dân đang được tiếp cận với các nền tảng số. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có trên 80% số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên không gian mạng thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã, góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Các ngành, lĩnh vực khác cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, thanh toán.
Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng quản lý học bạ điện tử đến các trường học; ngành Y tế thực hiện số hóa công tác quản lý khám chữa bệnh thông qua hệ thống LIS, RIS, phần mềm HIS, giúp giảm bớt quá trình chờ đợi của bệnh nhân và đảm bảo trả kết quả chính xác; các ngành dịch vụ triển khai hiệu quả ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Bên cạnh đó, công nghệ tác động đến mọi mặt, đặc biệt là hình thành nên những công dân số biết khai thác lợi thế của công nghệ phục vụ cho việc kết nối, giao thương, phát triển kinh doanh. Hiện tại, đã có hơn 116.000 tài khoản với 2.447 sản phẩm hàng hóa, nông sản Sơn La hoạt động trên các sàn thương mại điện tử. Điển hình có thể kể đến HTX tuổi trẻ 26/3 Yên Châu đạt nhiều thành công trong việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, giúp tiêu thụ 1/3 tổng lượng sản phẩm của HTX hằng năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX, thông tin: HTX đã có 12 sản phẩm bán trên các sàn Shopee, Postmart, Lazada, Tiki… và ứng dụng nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook để quảng bá đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu từ các sàn thương mại điện tử đem lại đạt từ 300-400 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu để trở thành hạ tầng số, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chưa cao, kỹ năng số còn hạn chế... gây khó khăn trong phát triển xã hội số nói riêng, chuyển đổi số nói chung.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Ngành đang tiếp tục định hướng các doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình viễn thông công ích để đẩy nhanh tiến độ phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng rộng, thực hiện hỗ trợ dịch vụ viễn thông di động mặt đất trả sau, hỗ trợ điện thoại thông minh đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Khuyến khích các cơ sở y tế, trường học và người dân ở các khu vực đô thị ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các nền tảng xã hội số, các dịch vụ số thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Với các điều kiện về môi trường số hiện có, việc phát triển công dân số tại Sơn La cũng đang hình thành. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung của quá trình chuyển đổi số, người dân đang từng bước tiếp cận, đưa công nghệ trở thành nền tảng, cơ sở thiết yếu để hỗ trợ và phát triển cuộc sống số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.